Trẻ sơ sinh 6 tháng ăn được những gì? Các món ăn dinh dưỡng cho bé

Khi trẻ được 6 tháng tuổi, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhưng bé cần nhiều hơn thế nữa. Vì vậy, các mẹ cần tập cho con ăn dặm và làm quen với những loại thức ăn khác. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc trẻ sơ sinh 6 tháng ăn được những gì để đảm bảo sự phát triển toàn diện của bé.

Trẻ sơ sinh 6 tháng ăn được những gì?

Sữa mẹ chứa nhiều dưỡng chất, giúp bé tăng cường hệ miễn dịch, phòng tránh nhiều loại bệnh. Vì vậy, trong những năm tháng đầu mới sinh, trẻ chỉ cần bú mẹ hoặc sữa công thức là có đủ chất dinh dưỡng để phát triển. Tuy nhiên, từ tháng thứ 6 trở đi, sữa mẹ không còn đủ đáp ứng nhu cầu cho sự tăng trưởng trẻ, nên cần bổ sung thêm các thực phẩm khác để hạn chế nguy cơ chậm lớn, còi xương,…

Trẻ sơ sinh 6 tháng ăn được những gì
Từ tháng thứ 6, bé cần bổ sung thêm từ các thực phẩm khác để đáp ứng nhu cầu phát triển của bé (Ảnh sưu tầm)

Ăn dặm là giai đoạn bé làm quen với các mùi vị mới ngoài sữa, không phải loại thực phẩm nào bé cũng có thể ăn. Mẹ cần lưu ý lựa chọn thực phẩm phù hợp để tráng gây quá tải với hệ tiêu hóa của bé. 

Nhóm trái cây

Trái cây là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào cho trẻ khi mới bắt đầu ăn dặm. Thời điểm mới bắt đầu, bé có thể ăn được hầu hết các loại trái cây như đu đủ, chuối, cam, quýt, bơ, táo, lê, xoài,…

Nhóm ngũ cốc

Là nhóm tinh bột cần thiết cho trẻ, gạo nếp, gạo tẻ, gạo lứt đều chứa rất nhiều vitamin dưỡng chất. Trong đó, gạo lứt có lớp vỏ lụa bao gồm nhiều vitamin nhóm B (B1, B3, B6), vitamin E, chất xơ và sắt. 

Mẹ có thể xay nhuyễn, nấu thành bột loãng hoặc cháo rồi xay nát. Với trẻ 6 tháng, mẹ nên nấu theo tỷ lệ 1 phần một và 10 phần nước. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm các loại đậu gà, hạt quinoa, yến mạch,… nấu cháo nhuyễn để đổi bữa cho bé.

Nhóm rau củ

Nhóm rau củ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với giai đoạn ăn dặm của trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi. Bé có thể tập ăn dễ dàng hơn nhờ vị ngọt tự nhiên giúp kích thích vị giác của các loại rau củ như khoai tây, khoai lang, cà rốt, củ dền, bí ngô, rau ngót, rau cải,… 

Mẹ có thể nghiền mịn các loại củ cùng sữa, còn rau thì nên xay thật nhỏ và nấu với cháo. Hãy đảm bảo thức ăn của trẻ không quá đặc khiến trẻ gặp khó khăn khi ăn.

Trẻ sơ sinh 6 tháng ăn được những gì
Nhóm rau củ đóng vai trò quan trọng đối với giai đoạn ăn dặm của trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi (Ảnh sưu tầm)

Nhóm đạm

Đạm là dưỡng chất quan trọng cho trẻ trong giai đoạn ăn dặm cũng như các giai đoạn phát triển sau này. Chất dinh dưỡng này có trong các loại thịt trắng, thịt đỏ như thịt gà, thịt lợn, thịt bò, tôm, cá,… Tuy nhiên, khi trẻ 6 tháng thì chưa cần thiết phải bổ sung nhiều loại thịt.

Gợi ý một số món ăn dặm tốt cho trẻ

Nếu mẹ chưa biết trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi nên ăn gì thì có thể tham khảo một số món ăn dặm dưới đây để đa dạng món ăn, giúp bé kích thích vị giác và ăn ngon miệng hơn.

Cháo loãng

Nguyên liệu: gạo và nước. 

Cách thực hiện:

  • Mẹ hãy lấy theo tỷ lệ 1 thìa gạo, 10 thìa nước. 
  • Sau đó, rây cháo bằng dụng cụ rây hoặc xay cho loãng mịn

Cháo trứng

Nguyên liệu: 5 thìa cháo và 1-2 thìa lòng đỏ trứng gà, nước rau củ hầm và chút dầu gấc. 

Cách thực hiện:

  • Đun sôi nước rau củ hầm rồi cho cháo xay vào 
  • Cho lòng đỏ trứng đã đánh tan và đảo thật nhanh tay đến khi trứng chín
  • Cho dầu gấc vào là hoàn thành 

Cháo bí đỏ

Nguyên liệu: Cháo gạo, bí đỏ, nước rau củ hầm (hay nước dashi).

Cách thực hiện:

  • Bí đỏ gọt rửa sạch, đem hấp chín rồi rây (hoặc xay) mịn.
  • Pha bí đỏ xay cùng nước rau củ hầm thành hỗn hợp loãng mịn rồi trộn cùng cháo xay hoặc ăn riêng.
Trẻ sơ sinh 6 tháng ăn được những gì
Cháo bí đỏ là một trong những món ăn bổ dưỡng nên có trong thực đơn ăn dặm của bé (Ảnh sưu tầm)

Cháo thịt gà với khoai lang

Nguyên liệu: Vài thìa cháo nấu sẵn, thịt ức gà, khoai lang, nước hầm rau củ, dầu gấc (Có thể thay bằng dầu oliu, dầu mè). 

Cách thực hiện: 

  • Thịt ức gà thái lát mỏng, băm nhỏ rồi hấp chín sau đó rây mịn hoặc xay nhuyễn. 
  • Khoai lang thái miếng nhỏ rồi hấp chín, sau đó rây mịn. 
  • Cho cháo và khoai lang đã xay mịn cùng nước hầm rau củ rồi thêm thịt gà thành hỗn hợp hơi sền sệt rồi cho chút dầu ăn là xong. 

Món ăn này thích hợp cho trẻ 6 tháng ăn dặm ở tuần thứ 4. 

Nước rau củ hầm

Nguyên liệu: 

  • 50g rau củ màu xanh (Bí xanh, su su, bắp cải, su hào) 
  • 50g rau củ màu vàng (Bí ngô, cà rốt, cà chua,…) 
  • 50g rau củ màu tím (Củ cải, súp lơ tím, bắp cải tím,..)
  • 1 bắp ngô và 1 cây mía nhỏ cắt khúc

Cách thực hiện: 

  • Tất cả nguyên liệu đem rửa sạch, sơ chế và cắt miếng.
  • Cho ngô, mía vào nồi rồi thêm khoảng 4-5 lít nước.
  • Khi thấy mía sủi bọt, mẹ cho rau củ cứng như bí ngô, củ cải, cà rốt, su su vào hầm cùng. Sau đó mới cho các loại rau củ mềm và rau lá xanh vào.
  • Khi nước hầm rau sủi bọt, mẽ vớt các loại rau chín ra trước và để riêng từng chén. Sau đó, vớt toàn bộ củ ra.

Mẹ có thể cho lượng nước rau củ vừa cho 1 lần nấu vào khay nhựa nhỏ có nắp đậy rồi trữ trong ngăn đông tủ lạnh để dùng dần trong tuần cho con.

Rau cải trộn đậu phụ

Nguyên liệu: Rau cải ngọt, đậu phụ non, nước rau củ hầm (nước dashi).

Cách thực hiện:

  • Lấy phần lá của rau cải rửa sạch, luộc chín rồi xay hoặc rây mịn. 
  • Luộc đậu phụ non cùng nước sôi rồi vớt ra để ráo nước, sau đó dằm nát.
  • Trộn đậu phụ cùng rau cải và thêm nước rau củ hầm (nước dashi).  

Bơ nghiền

Nguyên liệu: Quả bơ, sữa mẹ (sữa công thức), bột ngũ cốc.

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch quả bơ, bóc vỏ và bỏ xơ
  • Cắt bơ thành từng miếng nhỏ và nghiền nhuyễn bằng thìa
  • Thêm sữa mẹ (sữa công thức) để tạo thành hỗn hợp lỏng, mịn

Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho thêm bột ngũ cốc nếu bé có thể ăn được các món ăn dạng đặc.

Chuối nghiền

Nguyên liệu: Quả chuối, sữa mẹ (sữa công thức), bột ngũ cốc.

Cách thực hiện: 

  • Bóc chuối, thái lát và cho vào máy xay nhuyễn hoặc dùng thìa nghiền nát.
  • Pha thêm sữa mẹ (sữa công thức) hoặc ngũ cốc để có món ăn dặm thơm ngon và đầy đủ dinh dưỡng.
Trẻ sơ sinh 6 tháng ăn được những gì
Chuối có nhiều vitamin, khoáng chất tốt  và cách chế biến cũng rất đơn giản (Ảnh sưu tầm)

Có rất nhiều món ăn ngon mẹ có thể nấu. Tuy nhiên, hãy tìm hiểu cẩn thận để xây dựng chế độ ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi khoa học, lành mạnh, giúp trẻ phát triển tốt cả về thể chất và trí tuệ.

Lưu ý khi cho trẻ 6 tháng tuổi ăn dặm

Trong giai đoạn đầu khi trẻ ăn dặm, lượng thức ăn của bé có thể rất ít nhưng có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi đây là thời điểm định hình thói quen ăn uống, sở thích đối với một số món ăn. Vì vậy, mẹ hãy lưu ý một số vấn đề dưới đây:

Những lưu ý quan trọng

  • Bữa đầu tiên ăn dặm chỉ cho con ăn một lượng khoảng 5ml (tương đương 1 thìa nhỏ). Sau đó mới tăng dần lên 30 – 60ml/lần ăn.
  • Cho trẻ ăn từ ngọt sang mặn, nghĩa là cho con ăn các món có vị ngọt như cháo sữa, bí ngô sữa mẹ,… rồi mới tiếp tục với các loại cháo trứng, cháo thịt,… 
  • Mẹ không nên cho thêm gia vị khi nấu các món ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi.
  • Khi trẻ mới tập ăn dặm, mẹ vẫn nên duy trì lượng sữa như cũ và cho con ăn sau khi đã bú sữa mẹ.
  • Bắt đầu cho trẻ ăn dặm với đồ ăn nhuyễn, lỏng mịn sau đó mới từ từ chuyển sang sền sệt rồi đặc hơn.    
  • Mỗi bữa ăn cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm: Đạm, chất béo, đường bột, rau củ trái cây.
  • Chú ý lựa chọn thực phẩm sạch và an toàn, tốt nhất là nên cho con ăn rau củ quả theo mùa.  
  • Dụng cụ chế biến, khay trữ thức ăn của trẻ cần rửa sạch, để khô ráo sau mỗi lần sử dụng và nên tiệt trùng trước khi chế biến.
  • Thức ăn chỉ nên sử dụng trong khoảng 2 giờ, không nên để lại đồ thừa cho con ăn bữa sau.  
  • Tuyệt đối không cố ép bé ăn. Khi con đã thể hiện sự từ chối đồ ăn thì mẹ nên dừng lại và cho bé bú/uống sữa công thức nhiều hơn. 
  • Trẻ 6 tháng tuổi chưa cần thiết phải ăn nhiều loại thịt bởi hệ tiêu hóa lúc này đang nhạy cảm, rất dễ bị dị ứng. Mẹ hãy cho con ăn riêng từng loại và theo dõi phản ứng của bé. Sau đó mới kết hợp với nhau.
  • Không nên cho con ăn các loại cua, ốc, lươn, tôm, cá thu trong thời điểm này vì có thể khiến trẻ bị dị ứng hoặc thậm chí là ngộ độc. 
Trẻ sơ sinh 6 tháng ăn được những gì
Không nên cho con ăn các loại cá thu, tôm, cua, ốc, lươn trong giai đoạn này vì dễ khiến trẻ bị dị ứng hoặc ngộ độc (Ảnh sưu tầm)

Cách cho trẻ 6 tháng ăn dặm

  • Duy trì các cữ sữa theo nhu cầu của con và chỉ nên có bé ăn 1 bữa/ngày. Khi con 7 tháng, đã quen hơn với việc ăn dặm thì mẹ mới tăng lên 2 bữa/ngày.
  • Lượng ăn dặm: Bắt đầu từ 5ml, sau đó tăng dần nhưng không vượt quá 50 – 60ml. 
  • Nên cho trẻ ăn dặm vào khoảng 9 – 10 giờ sáng.

Nếu cho con ăn trước 6 tháng sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy sức khỏe của bé như: bỏ bú, sặc thức ăn do chưa ngồi vững, giảm đề kháng, béo phì, dễ đầy bụng, táo bón,… Bởi 6 tháng là thời điểm hệ tiêu hóa của trẻ mới phát triển ở mức độ tương đối hoàn thiện để tiêu hóa và hấp thụ các loại thức ăn đặc ngoài sữa mẹ. Vì vậy, mẹ hãy kiên nhẫn đợi đến khi con được 6 tháng tuổi mới bắt đầu cho con ăn dặm để tránh những tình trạng không mong muốn.

Tìm hiểu trẻ sơ sinh 6 tháng ăn được những gì có thể giúp mẹ xây dựng thực đơn đa dạng, lành mạnh và khoa học. Quá trình hấp thu những thức ăn ngoài sữa mẹ vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của bé vừa hình thành thói quen ăn uống đầu đời. Giai đoạn con ăn dặm tuy vất vả nhưng cũng rất đáng nhớ trong hành trình làm mẹ. 

Nếu mẹ có bất cứ băn khoăn hay muốn tìm hiểu thêm các sản phẩm dinh dưỡng khác cho bé, hãy liên hệ ngay với Biostime

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *