Bà bầu bị đau bụng 3 tháng đầu: Dấu hiệu mẹ không được chủ quan

Khi mang thai 3 tháng đầu, nhiều mẹ bầu có hiện tượng bụng bị căng tức, khó chịu, có các cơn đau lâm râm. Tuy nhiên, nếu mức độ đau tăng dần xuất hiện cùng các triệu chứng bất thường thì mẹ không nên chủ quan. Vậy bà bầu bị đau bụng 3 tháng đầu có những dấu hiệu như thế nào, nguyên nhân và cách điều trị ra sao? Mời bạn cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây để có hướng xử lý kịp thời và an toàn.

bà bầu bị đau bụng 3 tháng đầu
Khi mang thai 3 tháng đầu, nhiều mẹ bầu có hiện tượng bụng bị căng tức, khó chịu, có các cơn đau lâm râm (Ảnh sưu tầm)

Nguyên nhân gây đau bụng 3 tháng đầu thai kỳ

Bà bầu bị đau bụng 3 tháng đầu có rất nhiều nguyên nhân, dựa vào triệu chứng thực tế để chia thành 2 nguyên nhân chính là nguyên nhân bệnh lý và nguyên nhân sinh lý.

Nguyên nhân bệnh lý

Các nguyên nhân về bệnh lý:

  • Thai ngoài tử cung: Khi mẹ bầu cảm thấy phần bụng dưới truyền đến các cơn đau dồn dập, dữ dội, có hoặc không kèm theo tình trạng máu đen, đồng thời có các dấu hiệu đi ngoài, buồn nôn, choáng váng, mệt mỏi do chảy máu trong, thậm chí là bị ngất xỉu. Lúc này rất có thể khối thai ngoài tử cung đã bị vỡ.
  • Viêm ruột thừa khi mang thai: Mẹ bầu cảm thấy đau vùng chậu bên phải, bị sốt, nôn mửa, mạch đập nhanh,… Thực tế, viêm ruột thừa có thể xảy ra ở bất cứ lúc nào trong giai đoạn mang thai.
  • Bà bầu bị ký sinh trùng đường ruột: Ký sinh trùng đường ruột thường là giun (giun đũa, giun tròn, giun móc, sán dây). Chúng khiến cho mẹ bầu có cảm giác đau bụng giun giống tương tự như người bình thường, tức là đau bụng khi đói, đau về đêm và gần sáng. Một số loại giun có thể sẽ tạo ra các chướng ngại vật hoặc gây tắc nghẽn trong ruột, một số khác có thể gây ra viêm loét khiến cơn đau bụng khi mang thai dữ dội hơn.
  • Viêm đường tiết niệu: Mang thai 3 tháng đầu bị đau bụng có thể do viêm đường tiết niệu. Mẹ bầu bị viêm đường tiết niệu thường cảm thấy đau lưng vùng dưới sườn, đau và khó chịu ở vùng bụng dưới, tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu màu đục hoặc có mùi hôi,… nặng hơn là đi tiểu ra máu, sốt nhẹ, đau hai bên hông,…
  • Dấu hiệu cảnh báo sảy thai sớm: Đau bụng dưới bà bầu, đau lưng hoặc vùng chậu kèm theo chảy máu âm đạo lẫn với dịch nhầy (máu có màu đỏ hoặc đen, chảy máu kéo dài trong vài ngày, nặng hơn theo thời gian).
bà bầu bị đau bụng 3 tháng đầu
Bà bầu bị đau bụng 3 tháng đầu có thể là dấu hiệu sảy thai, do đó cần hết sức lưu ý

Nguyên nhân sinh lý

Các nguyên nhân sinh lý:

  • Do sự làm tổ của trứng: Khi thụ thai thành công, phụ nữ có thể bị đau bụng giống như trong khoảng thời gian đến kỳ kinh nguyệt do trứng bắt đầu quá trình làm tổ ở tử cung, bám vào niêm mạc tử cung. Lúc này, mẹ sẽ có cảm giác đau nhẹ, căng tức bụng khi mang thai, có thể ra máu một chút máu âm đạo, thường tình trạng này không kéo dài quá lâu, xảy ra khoảng 8 đến 10 ngày sau khi rụng trứng.
  • Do căng cơ và dây chằng: Tử cung của mẹ sẽ giãn ra khi thai nhi ngày một lớn lên. Do đó, tử cung sẽ tạo áp lực lên các cơ và dây chằng khiến mẹ cảm thấy đau, căng tức phần bụng.
  • Táo bón: Khi mang thai, nội tiết tố của chị em phụ nữ sẽ thay đổi để đáp ứng được sự xuất hiện và phát triển của thai nhi. Cùng với đó, tử cung cũng ngày một to hơn gây chèn ép, ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa. 3 tháng đầu, đau bụng bên trái là hiện tượng táo bón, đầy hơi, khó tiêu, căng tức bụng là tình trạng phổ biến của các bà bầu.
  • Ốm nghén: Bị ốm nghén cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bà bầu bị đau bụng 3 tháng đầu do sự gia tăng của hormone progesterone và estrogen tác động đến dạ dày, ruột và thực quản gây ra buồn nôn, nôn dẫn đến các cơn co thắt vùng bụng.
  • Cơn gò sinh lý (hay còn gọi là cơn co Braxton Hick): Những cơn co thắt dạng này kéo dài tương đối ngắn và không đều khiến mẹ bầu có cảm giác căng tức vùng bụng dưới.
  • Thiếu nước, mất nước: Mẹ bầu bị mất nước do bị ốm nghén, dẫn đến các cơn co thắt vùng bụng hoặc các cơn gò sinh lý. Vì thế, mẹ cần uống nhiều nước hơn để có thể giảm tần suất của các cơn đau.
bà bầu bị đau bụng 3 tháng đầu
Mệt mỏi, nôn nhiều, mất nước do ốm nghén… dẫn đến tình trạng đau bụng trong 3 tháng đầu thai kỳ

Xem thêm: Bà bầu đau bụng dưới tháng cuối có hại gì cho mẹ và bé không?

Bầu 3 tháng đau bụng có nguy hiểm cho thai nhi không?

Bà bầu bị đau bụng 3 tháng đầu tùy theo tình trạng và các triệu chứng triệu chứng đau bụng đi kèm để có thể xác định mức độ nguy hiểm.

  • Nếu chỉ là đau lâm râm, bụng căng tức và không có dấu hiệu khác bất thường thì mẹ không nên quá lo lắng bởi đây là dấu hiệu của trứng đã được thụ tinh, đã làm tổ thành công ở niêm mạc tử cung hoặc đây có thể là do nôn nghén nhiều gây ra. 
  • Tuy nhiên, nếu đau bụng khi bụng bầu 3 tháng kèm theo các triệu chứng sau đây thì mẹ bầu cần tới ngay bệnh viện để thăm khám:
  • Các cơn đau ở vùng bụng dưới có cường độ tăng lên, đau từng cơn, không thuyên giảm, đau quặn kèm ra máu âm đạo là dấu hiệu của dọa sảy thai, sảy thai.
  • Buồn nôn và nôn, đi ngoài, âm đạo có dịch nhầy và màu giống như bã cà phê có thể là dấu hiệu của tiền sản giật, hoặc thai chết lưu,…
  • Đau dữ dội vùng bụng, xuất huyết, cơ thể bị choáng váng, mệt mỏi, thậm chí là bị ngất xỉu có thể là triệu chứng của thai ngoài tử cung.
  • Đây là những triệu chứng cảnh báo nguy cơ dọa sảy thai, sảy thai hoặc mang thai ngoài tử cung. 
  • Buồn nôn, nôn nghiêm trọng cùng với việc ra máu đỏ tươi có thể là dấu hiệu của chửa trứng (hiện tượng mô tăng trưởng bất thường hoặc tạo thành khối u trong tử cung thay vì phát triển thành nhau thai).

Có thể nói, các triệu chứng trên là dấu hiệu thai nhi đang gặp nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ bầu. Vì thế khi bà bầu bị đau bụng kèm theo bất cứ dấu hiệu nào ở trên thì cần đến ngay bệnh viện để xử lý kịp thời.

Cách chữa đau bụng cho mẹ bầu

Bà bầu bị đau bụng 3 tháng đầu khi xác định nguyên nhân gây ra các cơn đau, nếu không phải xuất phát từ những yếu tố nguy hại dẫn đến các tình trạng nguy hiểm, thì mẹ có thể tham khảo và áp dụng một số phương pháp xử trí đau bụng bà bầu dưới đây để có thể chữa đau bụng một cách hiệu quả.

Tập thể dục nhẹ nhàng

Việc tập thể dục kết hợp với các vận động nhẹ nhàng giúp mẹ tăng cường sức khỏe, nâng cao hệ miễn dịch, từ đó mẹ bầu sẽ cảm thấy cơ thể được thư thái hơn, các cơn đau cũng dần dần được giảm bớt. Một số môn thể thao được khuyến khích cho mẹ bầu là yoga, bơi lội, đi bộ, pilates… Tuy nhiên, các hoạt động đều phải được kiểm soát và chọn lọc động tác.

Uống nhiều nước

Nước giúp tăng cường sự tuần hoàn, giúp cơ thể điều tiết tốt hơn các hoạt động của tử cung, giảm các cơn đau co thắt dạ dày,… Vì thế mẹ bầu nên uống nhiều nước, uống nước ấm, không nên uống nước lạnh hoặc nước muối quá mặn vì chúng sẽ khiến cho các cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.

bà bầu bị đau bụng 3 tháng đầu
Mẹ bầu nên uống nhiều nước ấm để làm giảm các cơn đau bụng do co thắt dạ dày gây ra

Dùng túi chườm

Bà bầu bị đau bụng 3 tháng đầu nên dùng túi chườm. Sử dụng túi chườm là phương pháp hữu hiệu để làm giảm các cơn đau thông qua việc sử dụng nhiệt làm nở các mạch máu, tăng cường lưu thông máu và cung cấp nguồn oxy cùng các chất dinh dưỡng mới. Sự ấm áp của một túi chườm nóng sẽ giúp giảm cơn co thắt, giảm đau trong thai kỳ.

Dù vậy, việc dùng túi chườm ở nhiệt độ quá cao cũng ảnh hưởng tiêu cức tới cơ thể thai phụ: Bỏng, kích thích cơ tử cung, vỡ túi chườm… Do vậy, mẹ nên kiểm soát thời gian dùng túi chườm và nhiệt độ của túi.

Tắm nước ấm

Sử dụng nước ấm khi tắm sẽ giúp cơ thể mẹ được thư giãn bởi lúc này các cơ và khối cơ được giãn ra dưới tác động của nhiệt, từ đó cũng hỗ trợ làm giảm tình trạng căng tức bụng, co thắt ở vùng bụng.  Tuy nhiên, mẹ bầu cũng không nên ngâm mình trong nước ấm quá lâu và tắm nước quá nóng bởi vì nhiệt độ cao có thể làm nóng nước ối, gây ảnh hưởng đến thai nhi.

Ăn uống đủ chất và chia thành nhiều bữa

Khi mang thai, mẹ cần có một thực đơn cho bà bầu khoa học, hợp lý để đảm bảo cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu. Ngoài ra khi thai nhi ngày một phát triển, bà bầu nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong một ngày, đồng thời giảm lượng thức ăn trong mỗi bữa, không nên ăn quá no để tránh gây áp lực cho dạ dày, từ đó dẫn đến các hiện tượng đau bụng, căng tức bụng.

Hạn chế ngồi trong thời gian dài

Ngồi một tư tế trong thời gian dài sẽ gây ra tình trạng máu khó lưu thông, cơ thể mẹ cảm thấy đau mỏi, đứng dậy khó khăn. Vì vậy, mẹ bầu nên thường xuyên vận động, đứng lên đi lại nhẹ nhàng sau một thời gian ngồi làm việc nhất định.

Khám thai định kỳ

Việc mẹ bầu đi khám thai định kỳ sẽ giúp theo dõi được tình trạng sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Từ đó có thể kịp thời phát hiện ra các dấu hiệu bất thường để có hướng xử lý đúng và kịp thời. Trung bình, trong thai kỳ mẹ cần đi khám 10 lần, tương đương với các mốc thời gian phát triển quan trọng của trẻ. 

bà bầu bị đau bụng dưới 3 tháng đầu
Việc mẹ bầu đi khám thai định kỳ sẽ giúp theo dõi được tình trạng sức khỏe của cả mẹ và thai nhi (Ảnh sưu tầm)

Trên đây là những phân tích về các dấu hiệu thường gặp của bà bầu bị đau bụng 3 tháng đầu. Với tất cả các chị em, hiện tượng đau và căng tức bụng trong giai đoạn này thường khiến chúng ta cảm thấy hoang mang và lo lắng. Nhưng không vì thế mà mẹ có thể tùy tiện sử dụng các loại thuốc khi chưa biết rõ nguyên nhân gây ra. Do vậy, mẹ bầu nên theo dõi tình trạng đau bụng của mình cùng các dấu hiệu kèm theo, tham vấn thêm ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để có phương pháp điều trị kịp thời, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và em bé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Messenger Chat Zalo Gọi ngay