Wonder Weeks là gì? Tìm hiểu về tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh

Các mẹ hiện đại ngày nay không còn xa lạ gì với thuật ngữ Wonder Weeks (Tuần khủng hoảng của trẻ). Trong giai đoạn này, trẻ thường có những thay đổi về tâm lý và thể chất. Đây là khoảng thời gian ý nghĩa ghi dấu mốc trưởng thành của trẻ cũng là một trong những thử thách lớn trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh của bố mẹ. 

Wonder weeks là gì?

Thuật ngữ Wonder weeks xuất hiện lần đầu năm 1992 và ngày càng được sử dụng với tần suất nhiều hơn. Wonder weeks còn được gọi là Fussy weeks, Stormy weeks hay tuần khủng hoảng ở trẻ sơ sinh. Ngay từ tên gọi cũng thể hiện sự rắc rối của trẻ sơ sinh trong giai đoạn này. 

Wonder weeks kéo dài trong khoảng 10 tuần, là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của trẻ sơ sinh. Trong những năm tháng đầu đời, đây là khoảng thời gian cao điểm mà trẻ có những bước phát triển nhảy vọt, có sự tiến bộ vượt bậc về các kỹ năng. 

Tuy nhiên, trong Wonder weeks, trẻ thường có nhiều biểu hiệu “khó ở” vô cớ, thay đổi cả nếp sinh hoạt thường ngày. Nguyên nhân là do con chưa thích nghi kịp về mặt nhận thức.

wonder weeks
Trẻ sơ sinh trong giai đoạn tuần khủng hoảng thường quấy khóc, khó chịu

Biểu hiện của Wonder weeks

Thường thì vào Wonder weeks, các em bé sẽ khó chịu hơn bình thường. Trước những thay đổi đột ngột, đảo lộn về tâm sinh lý và nhận thức, trẻ không biết phải “xử lý” cảm xúc thế nào. Các bố mẹ quan sát và dựa vào những biểu hiện để nhận biết con đang trong tuần khủng hoảng: 

  • Thường xuyên quấy khóc hơn bình thường (thậm chí có những trẻ quấy khóc cả ngày).
  • Không ngủ sâu, thường xuyên tỉnh dậy giữa đêm. Khi tỉnh dậy thường khóc to, càng dỗ càng khóc.
  • Chán ăn, nhiều trẻ còn bỏ ăn dù trước đó đang ăn rất tốt và ngon miệng.
  • Bám mẹ nhiều hơn, muốn được mẹ bế, âu yếm, cưng nựng.
  • Hay ghen tị khi bố mẹ quan tâm đến những em bé khác.
  • Trở nên nhút nhát hơn và sợ gặp hay tiếp xúc với người lạ.
  • Trẻ sơ sinh mút tay nhiều hơn, thích ôm ấp một món đồ chơi/gối ôm/gấu bông .
  • Tâm trạng thay đổi thất thường, chuyển trạng thái từ vui vẻ sang buồn chán, khóc lóc một cách nhanh chóng. 

Mẹ cần lưu ý 10 mốc khủng hoảng của trẻ dưới 2 tuổi

Trong 2 năm đầu đời, trẻ thường trải qua 10 mốc khủng hoảng. Ở từng giai đoạn Wonder weeks với mỗi em bé lại có những biểu hiện khác nhau. Nhưng đa số trẻ sẽ bước vào mốc khủng hoảng đỉnh điểm ở các tuần 5 – 8 – 12 – 19 – 26 – 37 – 46 – 55 – 64 – 75. 

wonder weeks
Các thời điểm “tuần khủng hoảng” của trẻ mà mẹ nên tham khảo
  • Tuần 1: 4,5 – 5,5 tuần

Đây là thời điểm mà trẻ bắt đầu có sự phát triển về giác quan. Sau khi đầy tháng, hầu hết phụ huynh đều gặp tình trạng trẻ sơ sinh khóc đêm, quấy nhiễu nhiều hơn bình thường bởi cơ thể trẻ đang diễn ra quá trình trao đổi chất mạnh mẽ. 

Sau wonder week này, các mẹ sẽ thấy con quan sát mọi thứ chăm chú hơn, muốn chạm vào mọi vật. Đặc biệt, con sẽ nở nụ cười đầu tiên và cũng trở nên nhạy cảm hơn với mùi hương, nhất là mùi hương của người mẹ. 

  • Tuần 2: 7,5 – 9 tuần

Giai đoạn này trẻ quấy khóc rất nhiều. Nhưng điều nhận được sau đó là khả năng kiểm soát đầu, giữ đầu ổn định hơn của con. Lúc này, trẻ đã biết quay đầu về phía phát ra âm thanh, thích thú với những món đồ chơi và thích khám phá cơ thể mình. 

Trong wonder week này, trẻ cũng bắt đầu nhận diện được những hình đơn giản, biết sự thân quen với những gì nhìn thấy và biết làm những âm thanh gầm gừ nhỏ. 

  • Tuần 3: 11 – 12,5 tuần

Trong tuần khủng hoảng ghi dấu bước chuyển biến lớn của trẻ này, bố mẹ sẽ rất vất vả vì con thường bỏ ăn và khóc đêm. Thời điểm này, trẻ đã phân biệt được ngày và đêm nên các mẹ hãy tranh thủ tập cho con những giấc ngủ ngắn. 

Đồng thời, trẻ đã học được nhiều kỹ năng vận động thô như lẫy, lật sấp, lật ngửa, ngóc đầu,… Con cũng thích nghe âm thanh với các cao độ khác nhau và cười ngày càng nhiều. 

  • Tuần 4: 14,5 – 19,5 tuần

Ở wonder week này, con hay đưa tay vào miệng mút và nhét các đồ vật trong tay vào miệng. Trẻ cũng nhận ra và nhìn theo bố mẹ. Khi bú no, trẻ sơ sinh biết tự dùng tay đẩy núm ti ra. 

  • Tuần 5: 22 – 26,5 tuần 

Với tuần này, trẻ học được kỹ năng cầm nắm chặt, nhổm người, ngồi dậy, biết xác định khoảng cách và bắt đầu phun nước bọt. Ngoài ra, con cũng hiểu được một số câu mệnh lệnh đơn giản cũng như quan tâm, hiếu kỳ nhiều hơn với hành động của mọi người.

Tuy nhiên, wonder week 5 này trẻ vô cùng bám mẹ, gần như không thể rời khỏi mẹ giây phút nào. Đó là biểu hiện của việc con bắt đầu hiểu được nỗi sợ phải cách xa người thân của mình, đầu tiên là mẹ – người gần gũi nhất. 

  • Tuần 6: 33,5 – 37,5 tuần 

Đây là mốc thời gian trẻ học phân biệt các nhóm đồ vật khác nhau. Từ tuần này, bố mẹ sẽ thấy con hiểu được một số từ, có thể bắt chước theo người khác và cũng biết thể hiện tâm trạng của mình rõ ràng hơn. Dù là tuần khủng hoảng nhưng đây là giai đoạn quan trọng vì trẻ bắt đầu tập thêm một kỹ năng thô nữa, đó là kỹ năng bò. 

  • Tuần 7: 41 – 46,5 tuần 

Lúc này, trẻ đang dần hình thành khái niệm về trình tự. Con cũng nói được những từ đơn giản và trả lời những câu hỏi ngắn. Ngoài ra, con có khả năng chỉ vào đồ vật mình muốn lấy và rất thích các trò chơi xếp chồng. 

  • Tuần 8: 51 – 54,5 tuần 

Khi wonder week 8 này đi qua, trẻ học được kỹ năng vịn và những bước đi chập chững nay cũng vững vàng hơn. Trẻ đặc biệt yêu thích vẽ trong giai đoạn này. Cùng với đó, con đã có thể tự cởi hoặc đi tất, mặc quần áo. 

  • Tuần 9: 59 – 61,5 tuần 

Trải qua nhiều mốc khủng hoảng, thời điểm này, trẻ đã lớn lên đáng kể. Con biết pha trò, làm nũng, biết cả nịnh những người thân của mình nữa. Và trẻ cũng biết thể hiện tình cảm nhiều hơn, biết bắt chước và hành động theo người lớn. 

  • Tuần 10: 70 – 76,5 tuần 

Những tuần “giông bão” qua đi, ở mốc wonder week cuối cùng này, em bé đã “trưởng thành” hơn nhiều. Con đã đi vững, chạy nhảy tốt. Con hiểu được lời người khác nói. Không những thế, lúc này trẻ có khả năng xâu chuỗi các sự kiện và thay đổi hành vi của minh một cách phù hợp. 

Xem thêm: Trẻ sơ sinh mấy tháng biết lật? Lưu ý về thời điểm phát triển của trẻ

Mẹ nên làm gì trong Wonder weeks của trẻ?

Chắc chắn Wonder weeks sẽ khiến tất cả những ông bố bà mẹ đều vô cùng mệt mỏi. Nhưng đây là giai đoạn bắt buộc phải trải qua trong sự phát triển của con. Vì thế, hãy mừng cho con và chuẩn bị một sức khỏe và tinh thần thật tốt để đồng hành cùng con lớn khôn. 

Tuần khủng hoảng đến rồi cũng sẽ đi, mỗi lần như thế con sẽ học thêm được nhiều điều. Nó không phải bệnh để tìm cách điều trị nên bố mẹ chỉ cần cố gắng trấn an con, dành nhiều hơn thời gian hơn cho con là đủ. Đồng thời, các mẹ có thể áp dụng một số mẹo nhỏ: 

  • Chuyển sang nếp sinh hoạt mới nếu cần (giãn cữ, kéo dài thời gian thức ban ngày, cai bú đêm…).
  • Cho trẻ đi ngủ sớm hơn bình thường nếu thời gian ngủ ban ngày của con quá ít.
  • Trong các mốc Wonder weeks, luôn có thời kỳ trẻ biếng ăn sinh lý. Hãy bình tĩnh, đừng ép con ăn, đợi đến khi con thực sự muốn ăn thì mới cho con ăn. 
  • Khi trẻ quấy khóc, hãy học cách dỗ trẻ sơ sinh khóc như đưa trẻ ra ngoài chơi những hoạt động mà con thích để giảm bớt cảm giác khó chịu. 
wonder weeks
Mẹ có thể ôm ấp trẻ, cho trẻ đi ngủ sớm hơn bình thường khi trẻ ở giai đoạn tuần khủng hoảng

Nguyên nhân khác ảnh hưởng tới trẻ ngoài Wonder weeks

Việc trẻ cáu gắt hay quấy khóc đôi khi không phải do đang trong Wonder weeks. Bố mẹ nên chú ý đến những nguyên nhân khác để có cách xử lý phù hợp: 

  • Các vấn đề về sức khỏe: cảm lạnh, ốm đau, sốt cao,…
  • Trẻ sơ sinh mọc răng cũng khiến tâm trạng khó chịu dẫn đến quấy khóc.
  • Thay đổi môi trường sống do chuyển nhà cũng có thể ảnh hưởng đến thói quen của trẻ nên con cũng có những thay đổi trong hành vi.
  • Bỗng dưng thay đổi giấc ngủ cũng là nguyên nhân làm trẻ mệt mỏi gây quấy khóc.
  • Có thể con của bạn thuộc nhóm nhạy cảm nên dễ bị tác động đến tinh thần dù chỉ là những điều nhỏ nhặt.

Thực tế có không ít bố mẹ chán nản, muốn buông xuôi trong giai đoạn Wonder weeks của con. Nhưng thay vì suy nghĩ sợ hãi sự khủng hoảng đó, tại sao không cùng con đồng hành và biến giai đoạn này thật những kỷ niệm khó quên. Vì chắc chắn khi ấy tình cảm gia đình sẽ gắn bó bền chặt hơn cùng sự phát triển toàn diện của bé yêu. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *