Những dấu hiệu quan trọng của bụng bầu 4 tháng các mẹ cần lưu ý

Trong suốt thai kỳ, mỗi ngày trôi qua đều là chất chứa những mong ngóng của mẹ về thiên thần đáng yêu trong bụng. Khi bụng bầu 4 tháng cũng là lúc mẹ cảm nhận được những chuyển biến rõ ràng vì thai nhi giai đoạn này phát triển rất nhanh. Chính bởi những thay đổi này mà mẹ bầu cần chú ý nhiều hơn đến các dấu hiệu để đảm bảo sức khỏe của bản thân và em bé. 

Dấu hiệu bụng bầu 4 tháng phát triển khoẻ mạnh

Nếu trong tam cá nguyệt đầu tiên, bụng bầu chưa lộ rõ thì bước đến tháng thứ 4 sẽ lộ bụng nhiều hơn. Lúc này, thai nhi không còn chỉ như hạt đậu nhỏ nữa mà đã lớn hơn, kích thước bằng với một quả bơ rồi. Ước chừng cân nặng của em bé thời điểm này khoảng 150 gram, chiều dài 13 – 14cm. 

Khi bụng bầu 4 tháng, bé yêu của bạn đã có những phát triển rõ ràng về hệ thần kinh, cơ bắp, cánh tay, bàn tay và bàn chân. Khi siêu âm, nhiều mẹ sẽ gặp hình ảnh con mút tay hay che mặt vô cùng đáng yêu. Lớp da của bé cũng đang hoàn thiện với một lớp lông tơ bao phủ. Tóc em bé sẽ mọc ở giai đoạn này cùng với đó là sự phát triển của tuyến tiền liệt ở bé trai và buồng trứng ở bé gái. 

Bước sang tam cá nguyệt thứ 2 này, cơ thể mẹ bầu cũng có những thay đổi nhất định. Sự xuất hiện của những dấu hiệu này tuy khiến các mẹ khó chịu nhưng lại là minh chứng cho sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi.

bụng bầu 4 tháng
Giai đoạn bầu 4 tháng là giai đoạn bé yêu có những phát triển rõ rệt đồng thời mẹ bầu cũng gặp nhiều dấu hiệu đặc trưng của việc mang bầu

Da nám, sạm, nổi mụn, khô

Các vấn đề về da được thể hiện rõ nhất từ tháng thứ 4 của thai kỳ. Estrogen tăng mạnh sản sinh nhiều melanin khiến da xuất hiện nhiều hơn các vết thâm nám, nổi mụn. Với những mẹ bầu có cơ địa nhạy cảm hoặc tăng cân quá đà thì ngay từ khi bụng bầu 4 tháng đã có vết rạn ở vùng bắp đùi, bụng, ngực, háng. 

Trong giai đoạn này, mẹ nên chú ý chăm sóc da kỹ lưỡng, dùng kem chống nắng hàng ngày để hạn chế tình trạng nám, tàn nhang mọc nhiều hơn.

Bụng bầu 4 tháng
Mẹ nên dùng kem chống nắng hàng ngày, bôi lại từ 3-4 tiếng để hạn chế nám, tàn nhang

Đầy hơi, khó tiêu

Nguyên nhân của những vấn đề tiêu hóa gặp phải là do sự phát triển của thai nhi khiến tử cung to ra chèn ép thành ruột. Đồng thời, quá trình tiêu hóa chậm lại do các cơ trơn ở thực quản và ruột giãn ra cũng dẫn tới tình trạng khó tiêu, táo bón. 

Giảm tình trạng nôn nghén

So với thời điểm mang thai 3 tháng đầu, đa số mẹ bầu đến thời điểm tháng 4 đều không còn ốm nghén. Đây là lúc các mẹ cần bổ sung chất dinh dưỡng và vitamin bù lại thời gian không ăn được nhiều do ốm nghén. 

Ngực tăng kích thước, căng và xuất hiện mạch máu dưới da

Sự thay đổi về kích thước vòng 1 cũng tăng theo bụng bầu 4 tháng. Mẹ bầu sẽ thấy ngực thường xuyên căng tức, mạch máu dưới da nổi rõ, đầu vú cũng to hơn và sậm màu đi. Điều này hoàn toàn bình thường vì lúc này lượng máu tới ngực nhiều hơn để kích thích tuyến sữa hoạt động. 

Chảy máu lợi hoặc mũi

Tình trạng chảy máu mũi, chảy máu chân răng là vấn đề phổ biến khi ở tháng thứ 4 thai kỳ. Lý do là bởi thành mạch ở những vị trí đó chịu nhiều áp lực khi mạch máu giãn nở. Tuy nhiên, nếu tình trạng này quá thường xuyên hoặc chảy quá nhiều máu thì mẹ bầu cần đến khám bác sĩ ngay. 

Nghẹt mũi

Quá trình mang thai, mẹ bầu rất dễ nhiễm virus do sức đề kháng yếu hơn trước. Khả năng miễn dịch kém hơn cũng khiến phụ nữ mang thai dễ bị dị ứng. Bởi vậy mà tình trạng nghẹt mũi cũng rất hay gặp ở bà bầu mang thai tháng thứ 4.

Tóc dễ gãy rụng và xơ

Với sự lớn lên của chiếc bụng bầu 4 tháng thì các mẹ bầu cũng phải đối mặt với việc tóc gãy rụng nhiều hơn. Cùng với đó, tóc cũng trở nên xơ rối và xỉn màu hơn do nhận được ít dưỡng chất hơn. Tình trạng này có thể được giảm bớt nếu mẹ bầu chăm dưỡng tóc và thường cũng chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. 

bụng bầu 4 tháng
Dầu gọi thảo dược sẽ hỗ trợ giảm rụng tóc hiệu quả

Thường xuyên đói bụng

Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy em bé của bạn vẫn đang phát triển tốt. Một phần nữa cũng vì triệu chứng ốm nghén thuyên giảm nên mẹ bầu thèm ăn nhiều hơn. Để đảm bảo không vượt quá mức tăng cân cho phép, các mẹ nên chuẩn bị đồ ăn nhẹ, ít calo. 

bụng bầu 4 tháng
Giai đoạn bầu 4 tháng, nên chọn đồ ăn nhẹ để dễ tiêu hóa

Hơi thở ngắn, nhanh

Việc hít thở ngắn, nhanh hơn là để bơm oxy vào cơ thể cung cấp cho thai nhi. Đây là biểu hiện rất bình thường, không phải dấu hiệu về bệnh hô hấp nào cả. Thực tế, tình trạng này sẽ xuất hiện trong cả thai kỳ và nhịp thở càng gấp hơn về những tháng cuối. 

Đau bụng dưới

Khi bụng bầu 4 tháng nghĩa là tử cung cũng to lên, vì thế tình trạng bầu đau bụng dưới là do giãn dây chằng vùng bụng. Hoặc nguyên nhân khác là mẹ bầu bị táo bón gây ra co thắt nên đau bụng dưới. 

Thai nhi chuyển động

Đây là dấu hiệu đáng mừng chứng minh rằng thai nhi vẫn khỏe mạnh. Tất nhiên ở thời điểm tháng thứ 4 này thì chuyển động rất nhẹ nhàng. Thường đến tuần thứ 14 là các mẹ sẽ cảm nhận được những chuyển động đầu tiên của con. 

Dấu hiệu bất thường của bụng bầu 4 tháng

Không ai hiểu rõ cơ thể mình bằng chính mình. Vậy nên khi thấy một số biểu hiện bất thường dưới đây, các mẹ bầu nên lưu ý để có biện pháp xử trí kịp thời: 

  • Tình trạng ốm nghén ngày càng tăng.
  • Dịch âm đạo tiết nhiều hoặc có mùi hôi.
  • Lòng bàn tay, lòng bàn chân ngứa ngáy dữ dội.
  • Bụng to nhanh quá mức cho phép, cân nặng tăng hoặc giảm một cách đột ngột (từ 1kg trở lên).
  • Rối loạn chức năng thị giác như mắt bị mờ, hoa mắt, nổ đom đóm mắt, choáng hoặc bị ngất.
  • Đau bụng dưới liên tục, kéo dài, kèm máu hoặc bị co thắt dữ dội.
  • Tiểu buốt, tiểu ít, nước tiểu có màu sẫm, mùi hôi khó chịu.
  • Ngực không còn nhạy cảm như trước và kích thước vòng 1 giảm xuống đột ngột.

Khi thấy một trong những dấu hiệu trên, tốt nhất bà bầu 4 tháng nên tới cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra. Bởi rất có thể đó là biểu hiện của các bệnh huyết áp, nhiễm trùng, thậm chí là dấu hiệu tiền sản giật, dọa sảy. Đừng cố áp dụng cách này hay cách kia khi chưa biết chính xác nguyên nhân, sự thiếu hiểu biết sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé. 

bụng bầu 4 tháng
Khi mẹ bầu 4 tháng gặp phải các triệu chứng bất thường, hãy đi khám ngay để đảm bảo sự an toàn cho cả hai mẹ con

Mẹo hữu ích cho bà bầu giai đoạn 4 tháng tuổi

Bước vào giai đoạn bụng bầu 4 tháng, chắc chắn người mẹ đã có rất nhiều thay đổi. Để duy trì trạng thái tinh thần phấn chấn và giữ gìn sức khỏe, mẹ bầu có thể áp dụng một số mẹo sau: 

  • Chọn quần áo thai sản thoải mái:

Những loại quần áo rộng rãi, chất liệu thoáng mát sẽ giúp mẹ bầu dễ chịu hơn.

  • Hạn chế tiếp xúc với các loại mỹ phẩm:

Tốt nhất bạn nên hạn chế trang điểm đến mức tối đa. Vì giai đoạn này da vô cùng nhạy cảm và cũng gặp nhiều vấn đề. Nếu bắt buộc phải trang điểm thì nên chú ý chăm sóc da thật kỹ. 

  • Bổ sung thêm Vitamin A, B, C và uống nhiều nước:

Đây là cách để cải thiện làn da, mái tóc của mẹ bầu bị sạm, gãy rụng, xơ rối trong tháng mang thai thứ 4. 

bụng bầu 4 tháng
Bổ sung thêm Vitamin để tăng sức đề kháng cho da, tóc,…
  • Bổ sung các thực phẩm giàu sắt và canxi:

Bà bầu 4 tháng nên ăn gì? Các loại thịt, hải sản, sữa và sản phẩm từ sữa, các loại hạt, ngũ cốc, trái cây tươi và rau xanh… chính là những loại thực phẩm nên có trong thực đơn hàng ngày của mẹ bầu tháng thứ 4.

  • Dùng mặt nạ dưa chuột:

Dùng dưa leo hoặc đá làm từ nước ép dưa leo giúp giảm tình trạng thâm nám da hiệu quả.  Bụng bầu 4 tháng

Mặt nạ tự nhiên giúp cấp ẩm, làm căng bóng cho làn da của mẹ bầu

  • Đi bộ mỗi ngày, tập hít thở:

Việc đi bộ, tập hít thở rất có lợi cho mẹ bầu khi sinh em bé sau này. Với bụng bầu 4 tháng, các mẹ vẫn có thể tập những bài nhẹ nhàng, đặc biệt là yoga. 

  • Nghe nhạc thư giãn:

Nghe nhạc không chỉ giúp bà bầu thoải mái, giảm stress mà còn là phương pháp thai giáo hiệu quả. Các mẹ nên chọn nhạc cho bà bầu như giao hưởng, nhạc không lời, nhạc Jazz, nhạc nhẹ có giai điệu êm ái, du dương. 

  • Ăn uống đủ chất và không nên ăn sau 8h tối:

Ăn tối quá muộn sẽ làm bạn bị nặng bụng, gây khó ngủ.

  • Ngủ nghiêng về một bên (tốt nhất là về bên trái) với một chiếc gối ôm kẹp giữa 2 chân:

Tư thế này không chỉ giúp các mẹ dễ ngủ hơn mà còn cải thiện được chức năng thận. 

Giai đoạn bụng bầu 4 tháng ghi nhận những thay đổi đáng kể. Bài viết gửi đến mẹ bầu những thông tin về các dấu hiệu cần lưu ý trong giai đoạn này để các mẹ quan sát, kiểm tra, xử trí khi cần thiết. Chúc bạn một thai kỳ khỏe mạnh! 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *