Bà bầu nằm ngửa có sao không: Những nguy hại không thể bỏ qua

Việc có được một giấc ngủ ngon vô cùng quan trọng với sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi. Tư thế ngủ là một trong những yếu tố then chốt quyết định đến điều này. Nhiều mẹ được khuyến cáo không nên nằm ngửa khi ngủ vì tư thế này khiến ngủ không sâu giấc. Vậy bầu nằm ngửa có sao không?

Bà bầu nằm ngửa có sao không
Mẹ cần có tư thế nằm phù hợp cho sự phát triển của thai nhi trong bụng

Bà bầu nằm ngửa có sao không?

Với người bình thường, giấc ngủ đã quan trọng thì với phụ nữ mang thai, giấc ngủ càng trở nên quan trọng hơn. Bởi sau một ngày dài với nhiều hoạt động, đây là lúc mẹ bầu được nghỉ ngơi hoàn toàn. Hơn nữa, thời gian ngủ cũng là thời điểm các mạch máu hồi phục sau khi phải chịu áp lực vì lưu lượng máu tăng để nuôi dưỡng thai nhi. Không những thế, có một giấc ngủ ngon còn giúp hạn chế nguy cơ tăng lượng đường trong máu, tránh tiểu đường thai kỳ. 

Thực tế, trong khoảng 2 tháng đầu, trừ nằm sấp thì mẹ bầu có thể nằm ở mọi tư thế mà mình thấy thoải mái nhất. Bởi lúc này thai vẫn còn nhỏ, chưa ảnh hưởng quá nhiều đến mẹ. Tuy nhiên, từ tháng thứ 3 trở đi, khi thai lớn dần, cổ tử cung ngày càng to lên thì bầu nằm ngửa có sao không?

Câu trả lời là có. Các chuyên gia khuyên, phụ nữ mang thai nên chuyển sang nằm nghiêng từ tháng thứ 4. Đặc biệt, tuyệt đối không được nằm ngửa khi mang thai 3 tháng giữa. Nguyên nhân của điều này là vì:

  • Do tử cung mở rộng theo kích thước lớn dần của thai nhi nên càng về sau tử cung sẽ càng to và đè lên tĩnh mạch chủ dưới. Vì máu lưu thông bị cản trở nên lượng máu tới thai nhi cũng giảm đi, gây chậm nhịp tim của thai. Đồng thời, đây cũng là lý do giải thích cho tình trạng hạ huyết áp khiến mẹ bầu mệt mỏi, khó chịu, chóng mặt. 
  • Khi nằm ngửa, cơ lưng, ruột, cột sống và các mạch máu lớn sẽ bị chèn ép bởi toàn bộ trọng lượng thai nhi. Trong một thời gian dài sẽ dẫn tới đau lưng, táo bón, trĩ khiến các mẹ bất tiện trong sinh hoạt. Thậm chí, đã có trường hợp mẹ bị suy tuần hoàn ảnh hưởng đến tuần hoàn của thai nhi kéo theo hệ quả đáng tiếc.
  • Thêm một lý do để trả lời có cho câu hỏi bà bầu nằm ngửa có sao không đến từ hội chứng ngưng thở trong lúc ngủ. Do các mạch máu bị chèn làm gián đoạn vai trò đưa máu về tim của những mạch máu lớn. Nếu không được người khác phát hiện kịp thời, chắc chắn sẽ nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và bé.  

Theo ghi nhận thực tế, nhiều mẹ ngủ quên trong tư thế nằm ngửa. Đương nhiên, điều này không được khuyến khích diễn ra kéo dài. Nếu chỉ thỉnh thoảng xảy ra thì các mẹ không cần phải quá lo lắng. Dù thế, bạn vẫn nên rèn luyện thói quen nằm nghiêng và cố gắng lắng nghe cơ thể để cảm nhận được tình trạng của mình. Cần đặc biệt lưu ý không nằm ngửa khi mang thai 3 tháng cuối thai kỳ.

Hướng dẫn tư thế ngủ an toàn cho mẹ và bé

Trước khi mang thai, không ít chị em phụ nữ có thói quen nằm ngửa khi ngủ. Trong thời gian đầu, việc thay đổi tư thế quen thuộc tương đối khó khăn. Nhưng để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và bé yên thì các mẹ nên cố gắng thay đổi theo những tư thế được gợi ý dưới đây: 

Nằm ngủ nghiêng về một bên, tốt nhất là bên trái 

Tư thế nằm nghiêng giúp thai phụ hô hấp dễ dàng hơn, giảm hiện tượng chèn ép mạch máu, tăng tuần hoàn máu lưu thông trong cơ thể. 

Tất nhiên, nằm ngủ liên tục trong một tư thế cũng khiến các mẹ không thoải mái. Bạn có thể chuyển nghiêng bên trái bên phải trong lúc ngủ. Nhưng tốt nhất vẫn là nghiêng mình sang trái vì: 

  • Máu và các dưỡng chất dễ dàng đi tới thai nhi hơn khi ngủ nằm nghiêng bên trái.
  • Do gan nằm bên phải nên tư thế này sẽ giúp giữ tử cung không đè lên gan, nhờ đó các chức năng gan không bị ảnh hưởng xấu.
  • Mẹ bầu sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi ngủ do áp lực lên lưng và chân dưới được giảm bớt. 
  • Ở giai đoạn cuối của thai kỳ, bà bầu thường bị phù chân sinh lý. Nằm nghiêng bên trái làm giảm hiện tượng phù chân này rất tốt. 
  • Khi nằm nghiêng sang trái khi ngủ, tĩnh mạch chủ dưới chịu trách nhiệm vận chuyển máu về tim không bị tử cung đè lên. Nhờ vậy không gây giảm lưu lượng máu về tim, ngăn chặn được những nguy cơ như khó thở, ngưng tim. 
Bà bầu nằm ngửa có sao không
Mẹ nên nằm nghiêng bến trái khi ngủ

Xem thêm: Bà bầu nằm nghiêng bên nào tốt nhất cho thai nhi trong thai kỳ?

Gác chân cao và nằm kê đầu cao

Khi tuổi thai càng lớn, đường hô hấp trên của mẹ bầu trở nên hẹp hơn do tăng cân cộng với áp lực của thai nhi. Điều này khiến các mẹ “ngáy” to hơn khi ngủ. Việc tử cung lấn át diện tích dạ dày cũng là nguyên nhân làm cho thai phụ bị trào ngược dạ dày vô cùng khó chịu. 

Để hạn chế tình trạng này, các mẹ nên kê cao gối, nâng cao đầu và lưng tạo thành một góc 20 độ với giường. Cách nằm này vừa tốt cho hoạt động của dạ dày vừa giảm sức ép lên cơ hoành, mang lại cảm giác dễ chịu và một giấc ngủ ngon. Đồng thời, các mẹ cũng nên gác chân lên cao để giúp máu lưu thông dễ dàng. Từ đó làm giảm tình trạng phù nề hay chuột rút ở vùng dưới cơ thể, cũng giúp mẹ bầu ngủ ngon hơn. 

Sử dụng gối dành riêng cho bà bầu

Trong suốt quá trình mang thai, chắc chắn người mẹ phải chịu nhiều cơn đau nhức từ các vị trí, bộ phận khác nhau trên cơ thể. Một chiếc gối ngủ phù hợp sẽ giúp bà bầu xoay trở mình một cách thoải mái mà không ảnh hưởng đến thai nhi. Đồng thời,chúng cũng giúp tăng cường lưu thông máu, cải thiện giấc ngủ cho mẹ bầu hiệu quả. 

Bà bầu có thể sử dụng gối riêng bất cứ khi nào thấy không thoải mái khi ngủ. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại gối cho bà bầu khác nhau, từ gối kê, gối ôm đến gối toàn thân. Phổ biến nhất là gối hình chữ C, J và U. Mỗi loại lại có những ưu điểm và hạn chế riêng. 

Tuy nhiên, gối chữ U vẫn là loại được khuyên dùng nhiều nhất vì hỗ trợ cả phần đầu, cổ, lưng, bụng và chân. Loại gối này làm giảm trọng lượng của bụng đè xuống bên dưới, giữ cột sống luôn thẳng và giảm sức ép của chân này khi gác lên chân kia, chắc chắn mẹ bầu sẽ có những giấc ngủ ngon. Nhưng với mẹ bầu nào có vóc dáng to thì gối bầu hình chữ C mới là lựa chọn ưu tiên hơn cả. 

Bà bầu nằm ngửa có sao không
Mẹ nên nằm gối chữ U để giấc ngủ ngon hơn và tốt cho em bé

Ngoài hình dáng gối, các mẹ cũng nên lưu ý đến chất liệu gối. Gối làm từ hạt vi nhựa hay mút hoạt tính là gợi ý hàng đầu. Bởi gối làm từ những chất liệu này thường rất nhẹ, mềm mịn, dễ dàng uốn cong theo cơ thể. Cùng với đó, mẹ bầu cũng cần giữ vệ sinh sạch sẽ gối, thường xuyên thay giặt vỏ gối, phơi ruột gối để hạn chế vi khuẩn gây bệnh tấn công cơ thể.  

Cách thay đổi thói quen nằm ngủ an toàn cho mẹ bầu

Ở tuần thai thứ 20 trở đi, khi bụng đã bắt đầu phát triển lớn, mẹ không nên duy trì thói quen nằm ngửa khi ngủ. Tuy vậy, nằm ngửa là thói quen ngủ của nhiều chị em, được hình thành từ trước khi mang bầu. Do vậy, việc thay đổi tư thế ngủ ngày thường là điều khó khăn.

Mẹ bầu nên thay đổi dáng ngủ bằng cách sử dụng gối chữ U hoặc chữ C, kê dọc dưới lưng để nâng người nghiêng về phía trước. Phương pháp này giúp mẹ thoải mái cử động trên giường mà không lo bị chuyển sang tư thế nằm ngửa. Theo các chuyên gia, mẹ bầu có thể nằm nghiêng một góc 20 – 30 độ, điều quan trọng là mẹ không được nằm ngửa hoàn toàn. Ngoài ra, gia đình nên chủ động quan sát mẹ vào ban đêm, đảm bảo không đổi sang dáng nằm ngửa.

Trên đây là những thông tin giúp các mẹ trả lời câu hỏi bầu nằm ngửa có sao không. Mong rằng bài viết không chí giúp bạn tìm ra đáp án mà còn cho bạn thêm những gợi ý để ngủ ngon hơn và đảm bảo an toàn trong suốt thai kỳ!   

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *