Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ là lúc thai nhi phát triển rất nhanh về mọi mặt. Đây cũng là lúc mẹ bầu chuẩn bị sức khỏe, tâm lý và những đồ dùng cần thiết để đón bé yêu chào đời. Các mẹ “bỏ túi” ngay cẩm nang chia sẻ những điều cần lưu ý trong tam cá nguyệt thứ 3 này để vượt cạn một cách thuận lợi và an toàn.
Sự thay đổi của mẹ và bé trong 3 tháng cuối thai kỳ
Vào tam cá nguyệt thứ ba, bé có những sự thay đổi rõ rệt về mọi mặt. Đồng thời, mẹ cũng sẽ cảm nhận được những khác biệt từ cơ thể tới cảm xúc.
Thay đổi của thai nhi
Bước sang những tháng cuối thai kỳ là giai đoạn phát triển vượt bậc của thai nhi cả về cân nặng và chiều cao. Hình ảnh siêu âm của bé thời gian này các mẹ sẽ thấy sự thay đổi liên tục. 6 tháng đầu, thai nhi chỉ đạt khoảng 1kg thì đến 3 tháng cuối em bé tăng 0,25 – 0,5kg/tuần. Đây cũng là giai đoạn các bộ phận thực sự trưởng thành và hoàn thiện, sẵn sàng đến với thế giới. Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ được tính từ tuần 28 – 40. Cũng có trường hợp mẹ bầu chuyển dạ sau 40 tuần, ở tuần thứ 41, 42.
Mỗi tuần thai nhi phát triển và biết thêm nhiều biểu hiện:
- Tuần thứ 28: Bắt đầu xuất hiện lông mi, mở một phần mí mắt. Hệ thần kinh trung ương điều khiển việc thở.
- Tuần thứ 29: Thực hiện được việc duỗi người, đá chân, ôm ghì.
- Tuần thứ 30: Thai nhi bắt đầu mọc tóc, mắt có thể mở to, tủy xương sản sinh hồng cầu.
- Tuần thứ 31: Xương của em bé đã ổn định và tiếp tục phát triển hoàn chỉnh, cân nặng tăng nhanh từ thời điểm này.
- Tuần thứ 32: Bắt đầu rụng dần lớp lông tơ mềm trên người.
- Tuần thứ 33: Đồng tử có phản ứng với kích thích ánh sáng thể hiện qua việc thay đổi kích thước.
- Tuần thứ 34: Móng tay phát triển trùm kín hoàn toàn đầu ngón tay.
- Tuần thứ 35: Da em bé không còn nhăn nheo như trước, da hồng hào và mịn màng hơn. Thai nhi lúc này nhìn mập mạp lên trông thấy.
- Tuần thứ 36: Thai nhi có những chuyển động quay đầu để di chuyển dần xuống vùng xương chậu của mẹ.
- Tuần thứ 37: Em bé có khả năng nắm chắc tay. Với quá trình xoay chuyển, ở tuần thai này đã thấy rõ ngôi thai. Mẹ bầu cần đi siêu âm để bác sĩ xác định đúng ngôi đầu hay không.
- Tuần thứ 38: Đầu ngón chân đã được móng chân trùm kín. Chu vi vòng đầu lúc này bằng chu vi vòng bụng.
- Tuần thứ 39: Tiếp tục phát triển hơn nữa phần lồng ngực. Với bé trai, tinh hoàn sẽ di chuyển vào trong bìu.
- Tuần thứ 40: Lớp lông tơ trên da rụng hoàn toàn. Các bộ phận đã hoàn thiện, thai nhi sẵn sàng chào đời. Tùy mỗi thai nhi mà cân nặng và kích thước có sự khác biệt, chủ yếu dao động từ 2,7 – 3,5kg, chiều dài 48 – 52cm.
Thay đổi của mẹ
Khi bé càng lớn, sinh hoạt hàng ngày sẽ càng khó khăn hơn do trở ngại về cơ thể cũng như tâm sinh lý:
- Bụng to, nặng nề khiến thai phụ thở khó hơn, mệt mỏi, khó vào giấc
- Đầu vú bắt đầu tiết sữa non
- Chịu cơn gò sinh lý Braxton-Hicks – 1 dạng gò giả, báo hiệu ngày sinh sắp tới
- Âm đạo tiết nhiều dịch đặc, trong và lẫn máu, nguyên nhân đến từ cổ tử cung mở to
- Đi tiểu thường xuyên do bào thai chèn ép vào bàng quang
- Táo bón, trào ngược dạ dày do hàm lượng progesterone tăng khiến cơ quan tiêu hóa và thực quản của mẹ giãn ra
- Rạn da ở vùng bụng, mông, ngực và đùi
- Sưng phù ở chân do giãn tĩnh mạch, tích nước trong cơ thể
- Đau thần kinh tọa, thường bắt đầu từ mông xuống chân
- Đau lưng do phải đỡ bụng bầu; đặc biệt vùng xương chậu và hông sẽ có cảm giác khó chịu do dây chằng giãn căng cho kỳ sinh nở sắp đến.
Cẩm nang mẹ bầu 3 tháng cuối thai kỳ
Khi tới 3 tháng cuối thai kỳ, các mẹ cảm thấy như đến được một cột mốc vô cùng quan trọng. Mẹ bầu đã có thể bắt đầu đếm ngược đến ngày sinh nhưng đừng quên những lưu ý dưới đây để đón chào con yêu bình an, khỏe mạnh.
Lịch khám thai trong tam cá nguyệt thứ 3
Vì tốc độ phát triển đột phá của thai nhi nên trong thời gian 3 tháng cuối, bà bầu cần đi khám thai thường xuyên hơn. Trước đó, mẹ chỉ cần đi khám khi đến một mốc nào đó thì giờ đây, tần suất sẽ tăng lên. Với tuần thai từ 28 – 35, khám từ 1-2 lần/tuần; tuần thai từ 36 trở đi, khám 1 lần/tuần.
Nhìn chung, mỗi lần khám, các mẹ sẽ được kiểm tra cân nặng, huyết áp và siêu âm kiểm tra cử động thai nhi. Tuy nhiên, ở giai đoạn tuần thai sẽ có những điểm khác biệt, cụ thể:
- Từ tuần thứ 28 đến tuần thứ 32: Lúc này, mẹ bầu vẫn thực hiện xét nghiệm nước tiểu, siêu âm thai, đo chiều cao tử cung, đo vòng bụng, nghe tim thai. Quan trọng nhất, các mẹ đừng quên tiêm uốn ván cho bà bầu mũi 1.
- Từ tuần thứ 32 đến tuần thứ 36: Ngoài các xét nghiệm, siêu âm cơ bản, bác sĩ sản khoa sẽ kiểm tra kỹ hơn cổ tử cung. Điều này nhằm mục đích phát hiện những bất thường 3 tháng cuối thai kỳ dễ dẫn tới sinh non. Một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định thêm xét nghiệm Non-stress.
- Từ tuần thứ 36 đến tuần thứ 39: Về cơ bản, các xét nghiệm, kiểm tra, siêu âm vẫn giống những tuần thai trước. Mẹ bầu nhớ tiêm mũi thứ 2 vắc xin ngừa uốn ván.
- Sau tuần thứ 39: Từ tuần thai này, bạn có thể đi khám bất cứ khi nào thấy có dấu hiệu nghi sắp sinh. Với khám thai, từ tuần này, bác sĩ sẽ chỉ định thêm chụp X-quang khung chậu.
Ngoài đi khám thai đúng lịch, bà bầu cũng cần đặc biệt chú ý đến thực đơn cho bà bầu cũng như chế độ dinh dưỡng. Khi mang thai 3 tháng cuối, chị em nên duy trì khẩu phần ăn cân bằng các nhóm chất và bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết. Theo đó, thực đơn hằng ngày cần đảm bảo cung cấp đủ các chất quan trọng như protein, canxi, magie, DHA, axit folic, sắt, chất xơ,…
Thực tế, những dưỡng chất này đều dễ dàng tìm thấy trong các loại thực phẩm quen thuộc. Đó là thịt đỏ, thịt nạc, trứng, sữa, rau xanh, trái cây, dầu cá,… Các mẹ có thể bổ sung bằng viên uống theo tư vấn của chuyên gia. Đồng thời, bà bầu 3 tháng cuối thai kỳ cố gắng uống nhiều nước, rất có lợi cho sức khỏe của mẹ và bé. Thai phụ cũng ghi nhớ không ăn các món cay nóng, đồ nhiều tinh bột, nhiều dầu mỡ,…
Chế độ sinh hoạt
Bầu 3 tháng cuối tuy thai nhi đã ổn định nhưng vẫn cần có chế độ sinh hoạt khoa học, hợp lý:
- Mẹ nên sắp xếp thời gian để cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, tránh để quá mệt mỏi hay căng thẳng.
- Hoạt động nhẹ nhàng với các bài tập thể dục phù hợp như kegel, yoga cho bà bầu, đi bộ,…
- Không mang giày cao gót để tránh té ngã. Giày thấp, giày bệt có đế chống trơn trượt vẫn là lựa chọn hàng đầu.
- Dù nên uống đủ nước nhưng bà bầu không uống nhiều vào buổi tối để hạn chế tiểu đêm, ảnh hưởng tới giấc ngủ.
- Nên nằm nghiêng về bên trái khi ngủ và sử dụng thêm gối dành riêng cho phụ nữ mang thai để ngủ ngon và thoải mái hơn.
Những điều cần kiêng kỵ
Người mẹ nào cũng mong muốn làm những điều tốt đẹp nhất với bé yêu của mình. Đừng vì sự thiếu hiểu biết mà ảnh hưởng đến con. Hãy ghi ngay vào cẩm nang của bạn những điều cần tránh trong 3 tháng cuối thai kỳ:
- Không làm việc nặng, hoạt động quá sức, tập thể dục với các động tác quá mạnh.
- Không hút thuốc, uống rượu, thức uống chứa cafein, chất kích thích,…
- Không ăn đồ sống, đồ tái, thịt nguội, cá có hàm lượng thủy ngân cao, hải sản hun khói,…
- Tránh tiếp xúc với các chất độc hại, chất tẩy rửa,…
- Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc nào, khi gặp vấn đề cần gặp bác sĩ để khám và chỉ định dùng thuốc phù hợp.
- Hạn chế di chuyển đường xa, không nên đi lại bằng các phương tiện công cộng như xe bus, tàu điện, máy bay,…
Chế độ dinh dưỡng
Thực đơn cho mẹ bầu cần bao gồm đầy đủ các nhóm chất để cung cấp đủ dinh dưỡng, năng lượng cho mẹ đủ sức “vượt cạn” và bé khỏe mạnh:
- Canxi: Chống loãng xương ở mẹ và thiếu canxi ở bé
- Sắt, protein: Ngăn ngừa tình trạng thiếu máu
- Axit folic: Hỗ trợ hệ thần kinh của trẻ, giảm nguy cơ bị dị tất ở ống thần kinh bẩm sinh
- DHA: Tốt cho trí não
- Magie: Phòng trừ sinh non, chuột rút
- Chất xơ: Hạn chế táo bón ở mẹ.
Chuẩn bị trước khi sinh
Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, bà bầu dành thời gian để chuẩn bị một số việc sau:
- Đăng ký tham gia lớp học tiền sản để biết thêm các kiến thức, kỹ năng quan trọng trên chặng đường sắp tới.
- Lên danh sách những thứ cần chuẩn bị như bỉm, sữa, tã, máy hút sữa,…
- Tìm hiểu về các dịch vụ sinh tại nhiều bệnh viện khác nhau để đưa ra lựa chọn nơi sinh.
- Quan tâm nhiều hơn đến các triệu chứng bất thường có thể gây nguy hiểm như xuất huyết âm đạo, đau bụng dữ dội, tiểu buốt, tiểu rát, thai nhi ít đạp, không thấy chuyển động,…
Trên đây là cẩm nang 3 tháng cuối thai kỳ Biostime dành cho mẹ bầu. Hành trình mang thai 9 tháng 10 ngày đã sắp cán đích, mong rằng những thông tin này giúp các mẹ vượt cạn an toàn và bé yêu chào đời mạnh khỏe.