Quá trình sinh con thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ của các bà mẹ. Ngoài việc sẵn sàng tâm lý cho hành trình “vượt cạn”, sự chuẩn bị về tinh thần và đồ dùng cần thiết cũng không kém phần quan trọng. Mọi thứ được chuẩn bị chu đáo, chắc chắn mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ và sau sinh cũng bớt mệt mỏi hơn. Những kinh nghiệm bà bầu đi đẻ dưới đây sẽ giúp các mẹ điều đó.
Tìm hiểu về quá trình sinh nở
Quá trình chuyển dạ của mẹ sẽ trải qua 3 giai đoạn. Mỗi giai đoạn sẽ có biểu hiện khác nhau:
Giai đoạn 1: Chuyển dạ
Thời gian chuyển dạ thường kéo dài tới 20 giờ, sẽ bắt đầu từ khi cổ tử cung mở tới khi mở hoàn toàn:
- Chuyển dạ tiềm thời: Mẹ sẽ cảm nhận được các cơn gò nhẹ cách nhau khoảng 15 – 20 phút; chúng tác động khiến cổ tử cung mở rộng 0 – 4cm, cổ tử cung mở càng rộng đồng nghĩa với việc cơn gò sẽ giảm đi; âm đạo có dịch trong suốt, kèm lẫn máu
- Hoạt động: Cơn gò dần mạnh hơn, lưng bị đau, âm đạo tiết nhiều máu hơn; cơn đau kéo dài trong khoảng 4 – 8 giờ.
Giai đoạn 2: Sinh con
Mẹ sẽ bước vào giai đoạn sinh con khi cổ tử cung giãn hoàn toàn tới 10cm. Các cơn co thắt xuất hiện với tần suất nhiều hơn. Lúc này, mẹ cần ổn định tinh thần, thở đều trong khi rặn đẻ và thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ đỡ đẻ.
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ dùng thuốc giảm đau, hoặc thực hiện thủ thuật cắt tầng sinh môn (mở rộng âm đạo bằng cách rạch một đường nhỏ giữa âm đạo và hậu môn). Điều này sẽ giúp em bé ra ngoài dễ dàng hơn, đồng thời tránh tình trạng thành âm đạo bị rách.
Giai đoạn 3: Lấy nhau thai
Sau khi em bé đã ra khỏi bụng mẹ, bác sĩ sẽ tiến hành lấy nhau thai từ thành tử cung thông qua đường âm đạo. Nếu trước đó thai sản có rạch tầng hậu môn, bác sĩ sẽ khâu lại ở giai đoạn này.
Dấu hiệu chuyển dạ của bà bầu đi đẻ
Khi tử cung có những thay đổi để chuẩn bị đưa thai nhi ra ngoài cũng là lúc người mẹ thấy những cơn đau đẻ xuất hiện. Chính xác đó là các cơn gò để tạo áp lực đẩy thai nhi trong tử cung ra.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, đôi khi các mẹ thấy cơn gò nhưng không phải cơn đau chuyển dạ mà chỉ là đau đẻ giả. Bởi vậy, mẹ bầu cần phân biệt đau bụng đẻ giả và đau bụng đẻ thật để tránh bị hoảng hốt. Dưới đây là một số thông tin hữu ích nên tham khảo trước khi bà bầu đi đẻ.
Đau bụng đẻ giả
Đau bụng đẻ giả hay còn gọi là cơn gò sinh lý Braxton Hicks. Vì là “giả” nên dù có cơn gò nhưng gây ra sự giãn nở của cổ tử cung, cơn đau cũng không kéo dài với cường độ mạnh và tần suất đều. Một số dấu hiệu giúp các mẹ nhận biết bà bầu đẻ giả hay còn gọi là chuyển dạ giả:
- Các cơn co thắt không đều, tần suất thất thường, thời gian kéo dài khác nhau.
- Mẹ bầu thường chỉ cảm thấy đau ở phía trước bụng hoặc xương chậu (khá giống với đau bụng kinh nguyệt).
- Không vỡ ối, các cơn đau không dồn dập.
- Khi di chuyển nhẹ nhàng hay nằm nghỉ ngơi, cơn co thắt có thể dừng lại.
Đau bụng đẻ thật
Khi đau bụng đẻ thật, thai phụ sẽ thấy những cơn co thắt có diễn tiến nhịp nhàng với cường độ và mức độ khó chịu tăng dần theo thời gian. Khu vực có cảm giác đau nhiều nhất là vùng lưng dưới và bụng, một số trường hợp đau cả ở bắp đùi và hai bên sườn.
Dấu hiệu rõ ràng nhất của chuyển dạ sắp sinh là vỡ ối. Khi vỡ ối, các mẹ dễ nhận thấy dịch nước chảy từ âm đạo. Đồng thời, cơn đau vùng bụng dưới sẽ xuất hiện từng cơn, khoảng 15 – 20 giây, ngắt quãng hết đau khoảng 3 – 5 phút rồi tiếp tục lặp lại. Càng về sau cơn đau càng dồn dập và thời gian nghỉ ngắn hơn. Khi cơn co thắt cách nhau dưới 10 phút tức là quá trình chuyển dạ bắt đầu. Đây chính là thời điểm bà bầu đi đẻ.
Thời gian chuyển dạ trung bình kéo dài từ 16 – 20 tiếng đồng hồ, nếu dài hơn 24 tiếng được gọi là chuyển dạ kéo dài. Với những người sinh con lần thứ hai, thông thường thời gian chuyển dạ chỉ khoảng 8 – 12 tiếng.
Ngoài đau bụng đẻ, vỡ ối, còn một số dấu hiệu khác mẹ bầu cũng cần chú ý để nhận biết sớm. Đó là tình trạng sa bụng, nhớt hồng âm đạo, tiêu chảy, chuột rút và đau lưng nhiều hơn,… Đặc biệt, nếu thấy máu âm đạo ra nhiều, dù chưa có dấu hiệu đau bụng, mẹ bầu vẫn phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra đề phòng tình huống xấu như rau tiền đạo, rau bong non,…
Xem thêm: Bà bầu đau bụng dưới tháng cuối có hại gì cho mẹ và bé không?
Các biến chứng có thể xảy ra khi sinh nở
Biến chứng khi sinh nở là điều có thể xảy ra với mọi thai phụ, không ngoại trừ mẹ bầu đã trải qua thai kỳ khỏe mạnh:
- Chuyển dạ đình trệ: Các cơn chuyển dạ kéo dài hoặc tắc nghẽn, khiến thời gian sinh con lâu hơn
- Ngạt chu sinh: Trẻ không thể thở bình thường ở thời điểm trước và sau sinh
- Băng huyết: Sản phụ mất nhiều máu, không cầm được máu
- Thai nhi sai vị trí: Thai nhi không quay đầu về phía âm đạo như bình thường mà nằm nghiêng, ngang tử cung khiến việc lấy thai ra khỏi tử cung khó khăn hơn
- Nhau tiền đạo: Cổ tử cung bị che lấp bởi nhau thai, sản phụ phải sinh mổ
- Sản giật: Thuộc dạng biến chứng nặng của tiền sản giật, có thể dẫn đến lưu thai, rối loạn đông máu và ngừng tim ở mẹ
- Vỡ tử cung: Vết sẹo mổ đẻ cũ bị bục
- Thuyên tắc ối: Là tình trạng nước ối và một số thành phần khác hòa vào máu thai sản, gây ra tổn thương não, tử vong ở mẹ hoặc trẻ.
Theo các chuyên gia, không có ngoại lệ cho những biến chứng trên. Do vậy, bên cạnh việc chăm sóc mẹ kỹ lưỡng từ đầu thai kỳ, gia đình cần theo dõi tình hình mẹ và bé liên tục để có những phương án ứng phó kịp thời.
Những chuẩn bị cần thiết cho bà bầu đi đẻ
Bà bầu đi đẻ luôn luôn phải có sự chuẩn bị chủ động từ trước. Có những việc cần tìm hiểu và quyết định từ sớm đến việc mang đồ gì khi đi sinh cũng cần sẵn sàng trong túi để có thể sử dụng bất cứ lúc nào.
Lựa chọn nơi sinh
Chọn bệnh viện nào để sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đương nhiên, tiêu chí ưu tiên hàng đầu là cơ sở y tế uy tín, chất lượng. Sau đó, mẹ bầu cân nhắc đến vấn đề di chuyển, chọn bệnh viện thuận tiện nhất vì bạn có thể chuyển dạ vào giờ cao điểm hay đêm khuya. Nếu nơi sinh bạn chọn xa nhà ở, bạn có thể chuyển tới nhà họ hàng hoặc thuê nhà gần đó khi sắp tới ngày sinh.
Hiện nay, đa số bệnh viện đều có dịch vụ chọn bác sĩ cho ca sinh của mình. Mẹ bầu cũng có thể lựa chọn dịch vụ này để an tâm hơn khi sinh nở. Nhưng nếu bạn quên thì cũng không sao, các bác sĩ luôn cố gắng để đảm bảo bạn được mẹ tròn con vuông. Ngoài ra, các mẹ còn có thể đăng ký các dịch vụ khác như để người thân vào phòng sinh, quay phóng sự sinh,…
Chuẩn bị giấy tờ, hồ sơ cần thiết
Đây là thứ không thể thiếu khi bà bầu đi đẻ. Các giấy tờ cần thiết bao gồm: thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh thư hoặc căn cước công dân, sổ hộ khẩu, hồ sơ khám thai. Trong hồ sơ khám thai, các mẹ mang đầy đủ sổ khám thai, các phiếu siêu âm, xét nghiệm sắp xếp theo thứ tự từ đầu đến cuối thai kỳ.
Đồ cho mẹ và bé
Tham khảo cẩm nang mẹ bầu, chuẩn bị những vật dụng cần thiết trong túi đồ đi sinh của mẹ cũng không kém phần quan trọng. Nhưng các mẹ cũng không nên mua sắm quá nhiều vì trẻ sơ sinh thường lớn rất nhanh và đa số các bệnh viện hiện nay đều có dịch vụ cung cấp những đồ cơ bản cho mẹ và bé. Tất nhiên, để tránh thiếu sót, bà bầu đi đẻ vẫn nên mang theo một số đồ như tã giấy, bình sữa, khăn sữa, khăn tắm, gel tắm, máy hút sữa,…
Kiểm soát cân nặng
Bổ sung dinh dưỡng trong thai kỳ là điều nên làm nhưng các mẹ cũng cần kiểm soát cân nặng của mình. Bởi nếu tăng cân quá nhiều, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường,… không tốt cho chính mình và sự phát triển của em bé. Các bác sĩ chuyên khoa sản khuyến nghị mẹ bầu thể trạng bình thường có mức tăng 10 – 15kg, với những mẹ thừa cân, béo phì thì con số này giảm đi, chỉ từ 5 – 11kg.
Xem thêm: Tất tần tật thực đơn cho bà bầu không tăng cân tốt cho mẹ và bé
Tham gia lớp học tiền sản
Trước khi bà bầu đi đẻ, tham gia ít nhất một lớp học tiền sản sẽ rất có lợi. Tại các lớp này, mẹ bầu được cung cấp các kiến thức về sinh nở từ dấu hiệu chuyển dạ, các thở khi sinh,… Những kinh nghiệm từ chuyên gia sẽ giúp các mẹ bớt lo lắng, căng thẳng, đặc biệt là những người lần đầu trở thành bố mẹ.
Massage
Cảm giác nặng nề, đau nhức của thai phụ sẽ được giải quyết nhờ massage. Việc massage giúp người mẹ giãn cơ, giảm nhức mỏi, hạn chế tình trạng chuột rút, xoa dịu cơn đau,… Bạn có thể nhờ người nhà massage hoặc tìm đến các chuyên viên giàu kinh nghiệm.
Chọn hình thức sinh
Với y học hiện đại, mẹ bầu hoàn toàn có thể lựa chọn hình thức sinh mổ hay sinh thường. Bởi thông qua quá trình khám thai cùng các xét nghiệm trong suốt thai kỳ, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về hình thức sinh. Nếu kết quả các chỉ số bình thường, sinh thường là lựa chọn được ưu tiên.
Dù thế, đến khi chuyển dạ vẫn có những biến cố xảy ra bắt buộc phải chuyển sang mổ cấp cứu. Nếu ngay từ đầu bạn đã chủ động muốn sinh mổ hay thai nhi quá lớn không thể sinh thường thì đẻ mổ hiện nay cũng rất an toàn, các mẹ đừng quá lo.
Tập hít thở khi sinh
Trước thời gian bà bầu đi đẻ khoảng 8 tuần, bạn nên học cách hít thở. Kỹ thuật hít thở tốt sẽ giúp bạn kiểm soát cơn đau cũng như thuận lợi hơn khi sinh. Theo đó, khi bắt đầu xuất hiện các cơn co, bạn nên thở nhanh dần, hít bằng mũi, thở ra bằng miệng. Về sau, cơn đau tăng dần thì các mẹ thở nhanh và nông hơn, chuẩn nhất là tạo được tiếng thở như tiếng huýt sáo nhỏ.
Hành trình từ khi mang thai tới ngày chào đón bé yêu đến với thế giới ngập tràn hạnh phúc nhưng cũng đầy thử thách. Tâm lý vững vàng cùng các bước chuẩn bị chu đáo là cách tốt nhất để vượt qua mọi khó khăn. Mong rằng bài viết này đã chia sẻ phần nào lo lắng để bà bầu đi đẻ được thuận lợi nhất.
Tôi là Giám Đốc Marketing của công ty TNHH Đầu tư XNK Hoan TT. Một doanh nghiệp chuyên phân phối sản phẩm sữa Úc chất lượng, đứng đầu thị trường Việt Nam.