Tổng hợp 9 phương pháp dạy bé tập nói hiệu quả nhất

Tập nói là một trong những giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Trẻ có thể nói nhanh hoặc chậm nói, điều này phụ thuộc vào cách dạy của cha mẹ. Dưới đây là 9 phương pháp dạy bé tập nói hiệu quả nhất mà cha mẹ nên áp dụng cho trẻ.

Từng giai đoạn khi bé học nói

Quá trình bé tập nói cũng được chia ra làm nhiều giai đoạn nhỏ. Giai đoạn mới sinh, trẻ chưa thể nói chuyện, vì thế trẻ chỉ có thể giao tiếp thông qua cử chỉ, biểu cảm và tiếng khóc. Thông qua tiếng khóc và cử chỉ của trẻ, cha mẹ có thể nhận biết trẻ muốn gì, từ đó đáp ứng các nhu cầu của trẻ. Giai đoạn này thường kéo dài cho đến khi trẻ được 3 tháng tuổi. Sau đó, sự phát triển ngôn ngữ của trẻ sẽ được thể hiện qua nhiều giai đoạn như sau:

  • 3 tháng tuổi: Thời điểm này, trẻ đã có thể quan sát khuôn mặt và biết lắng nghe giọng nói của cha mẹ. Bé cũng bắt đầu chú ý đến những âm thanh từ môi trường xung quanh.  
  • 6 – 7 tháng tuổi: Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu học nói bập bẹ. Bé có thể mô phỏng các âm thanh như “da-da” hay “ba-ba”, chủ yếu ở giai đoạn này bé chỉ bập bẹ nói những âm tiết ngẫu nhiên, đa phần là không có nghĩa. Cuối tháng thứ 7, trẻ có khả năng nhận biết ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như đã có thể trả lời tên của chính mình.
  • 9 – 10 tháng tuổi: Ở tháng thứ 9, trẻ thường sử dụng giọng nói để bày tỏ trạng thái của mình. Đồng thời, bé đã có thể hiểu một vài từ cơ bản như “không” và “tạm biệt”. Sau 9 tháng tuổi, bé bắt đầu có thể nói nhiều âm tiết chứa phụ âm hơn và có thể điều chỉnh âm điệu giọng nói.
  • 12 – 18 tháng tuổi: Hầu hết trẻ ở giai đoạn này đã có thể gọi ba, mẹ và nói được một vài từ cơ bản. Trẻ bắt đầu học tập nhận biết tên gọi của một số vật cơ bản như đồ vật trong gia đình, các con vật, bộ phận cơ thể, cây cối… Ở giai đoạn này, trẻ cũng đã có thể nghe hiểu một số mệnh lệnh từ cha mẹ và hiểu được những đoạn hội thoại ngắn. 
  • 2 tuổi: Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu học nói những câu ngắn bằng cách xâu chuỗi một vài từ đơn. Ví dụ như “Mẹ, bế con” hay “Mẹ, con sữa”. Ngoài ra, trẻ cũng bắt đầu tập nói những từ ngữ mang nghĩa trừu tượng như “của con”.
  • 3 tuổi: Khi trẻ lên 3 tuổi, được uống sữa phát triển toàn diện và hàm lượng dinh dưỡng đầy đủ, khả năng nhận biết và tập nói của trẻ đã phát triển gần như hoàn thiện. Sự tò mò, thích khám phá những thứ mới lạ sẽ làm cho vốn từ của trẻ nhanh chóng.
bé tập nói
Cha mẹ hãy cùng đồng hành với con trong giai đoạn tập nói quan trọng này

Các phương pháp dạy bé tập nói

Quá trình tập nói của bé luôn là một hành trình dài mà cha mẹ cần kiên nhẫn theo sát bé từng ngày. Một số trẻ bẩm sinh đã có thể nhanh biết nói, nhưng cũng có một vài trẻ chậm nói cần phải có phương pháp dạy phù hợp. Dưới đây những cách dạy bé tập nói hiệu quả nhất mà cha mẹ có thể tham khảo và đồng hành cùng con trong quá trình trẻ tập nói:

Thường xuyên nói chuyện cùng bé

Thường xuyên nói chuyện với bé khi bé tập nói có tác dụng tăng khả năng giao tiếp của trẻ, giúp trẻ luyện phát âm nhiều hơn. Hơn nữa, mẹ cũng nên cho cho bé nghe nhạc và thường xuyên trò chuyện cùng bé ngay từ khi bé còn đang ở trong bụng mẹ. Cách này sẽ tạo thói quen và tạo cho bé sự thích thú, tò mò với âm thanh, lời nói..

Bên cạnh đó, khi chơi cùng bé, cha mẹ nên nói chuyện với bé, đặc biệt nên nói bằng giọng điệu vui vẻ và tương tác bằng ánh mắt với trẻ. Như vậy, trẻ sẽ có thể tập nói nhanh hơn và xu hướng biết nói sớm hơn. 

Đặt câu hỏi cho bé

Trẻ thường rất tò mò và thích tìm hiểu những thứ mới lạ xung quanh mình, càng lớn trẻ sẽ càng quan tâm đến môi trường xung quanh nhiều hơn. Dạy cho trẻ nhận biết tên gọi của các đồ vật, tên các thành viên trong gia đình, con vật… sẽ tạo cho trẻ hứng thú học nói. Nhờ vậy bé tập nói con vật, đồ vật nhiều hơn. Đồng thời, cha mẹ đừng quên đặt các câu hỏi cho bé để bé có thể nói nhiều hơn. Một số câu hỏi chảng hạn như “Con có muốn uống sữa không?”, “Kia là cái gì?”, “Ông nội ở đâu?”

Hát cho bé nghe

Có thể nói âm nhạc là một trong những phương thức hiệu quả nhất giúp bé tập nói. Sự kết hợp giữa ngôn từ với giai điệu sẽ giúp trẻ tập trung lắng nghe, cũng như tạo hứng thú cho trẻ tập nói.

Đặc biệt là giọng hát của cha mẹ thường làm cho trẻ cảm thấy yên tâm và an toàn hơn. Hãy hát bất cứ bài hát nào phù hợp với độ tuổi của bé, nhất là những bài hát vui nhộn bởi giai điệu của chúng có thể kích thích khả năng ghi nhớ và phát âm của trẻ hơn.

bé tập nói
Hát cho bé nghe là một trong những cách kích thích trẻ ghi nhớ và phát âm hiệu quả

Dùng từ ngữ ngắn gọn và đơn giản

Trẻ không thể hiểu được những từ ngữ quá phức tạp, bé chỉ có thể nhận biết và lặp lại một số âm đơn. Vì thế, ban đầu cha mẹ nên dạy trẻ những từ ngữ đơn giản, quen thuộc, những câu ngắn để trẻ dễ nhớ và bắt chước.

Làm mẫu cho bé

Phần lớn những gì trẻ biết và nói theo đều là học được từ cha mẹ. Do đó, cha mẹ hãy lặp đi lặp lại những từ ngữ, những câu đơn để bé nói theo. Khi lớn hơn, bé bắt đầu có thể học nói những từ khó hơn, những câu dài hơn. Cha mẹ nên kiên nhẫn nói nhiều lần để bé quen và bắt chước theo. Đây là cách dạy bé tập nói khá phổ biến và đem lại hiệu quả cao.

Mở rộng vốn từ vựng

Sau một khoảng thời gian nhất định, khi trẻ đã có thể nhớ và nói được những từ quen thuộc mà cha mẹ dạy, cha mẹ nên bắt đầu mở rộng vốn từ cho bé. 

Đầu tiên, cha mẹ có thể thêm một vài từ mới vào câu hỏi thường ngày với con, bé sẽ biết nhận diện thêm từ mới và biết cách liên kết các từ với nhau. Sẽ mất một khoảng thời gian dài để bé làm quen dần, vậy nên cha mẹ cần kiên nhẫn đồng hành cùng con. Bên cạnh đó, mẹ có thể sử dụng một số bài thơ cho bé tập nói để bé mở rộng vốn từ nhanh hơn.

Khuyến khích bé lựa chọn

Hãy đưa ra nhiều đáp án, nhiều sự lựa chọn trong lúc đặt câu hỏi cho bé và khuyến khích bé lựa chọn đáp án mà bé muốn. Ví dụ như “Con muốn uống sữa hay ăn bánh?”, “Con muốn bố dỗ con ngủ hay là mẹ?”. Việc khuyến khích bé nói ra mong muốn của mình sẽ giúp bé phản xạ với những câu hỏi tốt hơn cũng như giúp bé nói nhiều hơn.

Lưu ý khi bé học nói chậm hơn bình thường

Một số trẻ có biểu hiện chậm nói hơn so với các bạn cùng tuổi. Tình trạng này có thể là do các yếu tố từ môi trường sống, do cha mẹ ít trò chuyện với bé. Tuy nhiên đây cũng có thể là do một số bệnh lý bẩm sinh của trẻ và với những trường hợp này cha mẹ cần phải cho trẻ thăm khám bác sĩ để kiểm tra chính xác nguyên nhân chậm nói của con. 

bé tập nói
Nếu thấy trẻ có biểu hiện chậm nói bất thường, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để phát hiện nguyên nhân và có phương pháp can thiệp phù hợp, kịp thời

Khi thấy trẻ học nói chậm hơn bình thường, cha mẹ cần phải lưu ý những điều sau:

  • Kiểm tra thính giác: Thính lực của trẻ có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình bé tập nói. Nếu trẻ có thính lực yếu hoặc bị khiếm thính, trẻ sẽ không thể nghe và nhận biết được thanh âm, điều này dẫn đến việc trẻ chậm phát triển giọng nói hoặc không thể bắt chước các âm thanh từ cha mẹ và không thể nói được. Theo thống kê, có đến 3/1.000 trẻ sơ sinh bị mất thính lực. Vì vậy việc cha mẹ cần làm là cho trẻ đi sàng lọc thính giác ngay sau khi sinh và kiểm tra thính giác trước 3 tháng tuổi nếu trẻ không vượt qua được sàng lọc thính giác ban đầu.
  • Thăm khám bệnh học ngôn ngữ: Trẻ mắc các chéng rối loạn ngôn ngữ thường chậm nói hơn bình thường. Các nhà bệnh học ngôn ngữ có thể chẩn đoán và điều trị các chứng bệnh này.
  • Sàng lọc bệnh lý: Một số bệnh lý như rối loạn phổ tự kỷ hoặc nhận thức cũng là yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Trẻ mắc các khuyết tật này thường có xu hướng chậm nói và lười nói. Những rối loạn này cần phải được kiểm tra và can thiệp y tế chuyên nghiệp.
  • Tập nói chuyện với bé: Cha mẹ cần kiễn nhẫn trong quá trình tập nói của bé, nên khuyến khích và dỗ dành bé nói chuyện và hát thường xuyên. Giao tiếp thường xuyên với trẻ sẽ giúp trẻ có phản ứng và có tương tác tích cực hơn khi tập nói với cha mẹ.

Xem thêm: 

Trên đây là một số thông tin về giai đoạn bé tập nói mà cha mẹ cần đặc biệt lưu ý. Ở từng thời điểm, bé sẽ có sự phát triển riêng về ngôn ngữ, cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp nói trên để hỗ trợ bé một cách tốt nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *