Bé bị adeno là một loại virus gây bệnh viêm đường hô hấp là nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh. Ngoài gây bệnh về đường thở và phổi, Adenovirus còn tác động tiêu cực lên các cơ quan khác làm viêm kết mạc, viêm ruột, dạ dày,… Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý những thông tin dưới đây để bảo vệ trẻ một cách tốt nhất.
Adeno gây bệnh gì?
Adeno là nhóm virus có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt,trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi có nguy cơ nhiều hơn do sức đề kháng còn kém. Ngoài ra, người có hệ miễn dịch yếu cũng dễ bị virus này tấn công gây bệnh và xuất hiện nhiều triệu chứng nhận biết. Chúng không phát bệnh theo mùa như những loại virus cúm mà xuất hiện quanh năm, nhất là thời điểm giao mùa.
Theo BS Phan Thu Minh – Phó Trưởng khoa Nhi, Adenovirus chia thành 7 nhóm có ký hiệu từ A đến G dựa theo các đặc điểm sinh lý, sinh hóa và sinh học phân tử. Trong đó, có hơn 50 type gây bệnh ở người và là mầm mống tiềm ẩn gây hại đến nhiều cơ quan khác.
Các bệnh thường gặp do Adeno gây ra gồm:
- Viêm đường hô hấp trên/dưới
- Viêm màng não
- Viêm kết mạc
- Viêm bàng quang
- Các bệnh lý nhiễm trùng đường tiêu hoá gây buồn nôn, tiêu chảy,…
Đa số các nhiễm trùng do Adeno đều không quá nặng nhưng tiềm ẩn biến chứng nếu không ngăn chặn được nguồn lây lan.
Cách lây lan của Adeno
Sức sống của virus Adeno ở mức tốt khi có thể tồn tại khoảng 30 ngày ở nhiệt độ phòng. Thêm vào đó, điều kiện 40 độ sẽ giúp chúng sống được vài tháng và thậm chí khi ở môi trường – 200 độ, con số tuổi thọ sẽ tính bằng năm. Khi đã xâm nhập được vào cơ thể, virus Adeno sẽ nhân lên sau 30 giờ. Vì vậy, chúng dễ lây lan trong cộng đồng, nhất là những nơi có nhiều tiếp xúc như trường học, bệnh viện hay các trung tâm.
Con đường phổ biến lây truyền là qua đường giọt bắn và hô hấp khi nói chuyện trực tiếp với người bệnh. Ngoài ra, sử dụng chung nguồn nước bị ô nhiễm hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Đối với trẻ nhỏ, đường phân – miệng cũng là tác nhân truyền bệnh Adeno khi trẻ rửa tay sai cách hoặc không vệ sinh kỹ. Khi đã tiếp xúc với virus, các triệu chứng bệnh thường xuất hiện trong khoảng từ 2 ngày đến 2 tuần.
Triệu chứng khi bị nhiễm Adeno
Như đã đề cập, Adenovirus chia thành 50 type gây bệnh nên tùy thuộc vào từng type và cơ quan ảnh hưởng mà sẽ có triệu chứng nhiễm khác nhau.
Thông thường, tình trạng nhiễm trùng Adeno ở đường hô hấp sẽ có triệu chứng tương tự cảm lạnh. Trẻ có thể bị sốt cao kéo dài, sổ mũi, nghẹt mũi hoặc nhiễm trùng tai.
Đau họng hay tình trạng viêm kết mạc, đau mắt đỏ cũng là triệu chứng trẻ mắc Adeno gặp phải.
Ngoài ra, một số type khác có thể gây nhiễm trùng dạ dày và đường tiêu hóa. Biểu hiện ra bên ngoài như tiêu chảy, bụng đau quặn và xuất hiện triệu chứng như viêm dạ dày. Trường hợp khác sẽ đi tiểu buốt, tiểu ra máu nếu nhiễm trùng bàng quang.
Biến chứng
Adenovirus nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Bệnh phổi mạn tính: Dù hiếm gặp nhưng đã ghi nhận trường hợp trẻ bị viêm phổi do Adenovirus phát triển thành bệnh phổi mạn tính.
- Nhiễm trùng nặng: Trẻ nhỏ có hệ thống miễn dịch yếu sẽ tiềm ẩn nguy cơ bị nhiễm trùng nặng hơn.
- Lồng ruột: Là bệnh lý nghiêm trọng ở đường ruột, trong đó một đoạn ruột phía trên di chuyển và chui vào lòng của đoạn ruột phía dưới gây tắc nghẽn sự lưu thông. Khi đó, các mạch máu kéo theo có thể bị thắt nghẹt gây tổn thương đoạn ruột dưới và chảy máu. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây hoại tử dẫn đến thủng ruột, nhiễm trùng máu, nặng hơn là đe dọa tính mạng.
Cách chẩn đoán
Với các trường hợp nhẹ, việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng của trẻ như đau họng, chảy nước mũi, viêm kết mạc,… Tiếp đến cần khai thác bệnh sử và thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán adenovirus gồm:
– Xét nghiệm máu.
– Xét nghiệm PCR phát hiện DNA adenovirus thông qua dịch tiết ở đường hô hấp và máu.
– Phân lập virus từ phân.
– Chụp X quang lồng ngực, tim phổi.
Phương pháp điều trị
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu Adenovirus nên sẽ cách ly phòng bệnh riêng với trẻ bị nhiễm. Nếu điều trị đúng cách, trẻ mắc bệnh có thể khỏi chỉ sau một vài ngày. Tuy nhiên, nếu gặp vấn đề nhiễm trùng nặng như viêm phổi, viêm kết mạc mắt… thời gian có thể kéo dài 1 tuần hoặc hơn.
Áp dụng điều trị triệu chứng ở trẻ bằng cách:
- Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều, uống nhiều nước.
- Uống Acetaminophen nếu triệu chứng sốt làm trẻ mệt mỏi.
- Vệ sinh mũi thường xuyên. Bổ sung máy tạo ẩm, phun sương trong phòng hoặc nhỏ mũi nước muối để cải thiện tình trạng nghẹt mũi, giúp trẻ hô hấp dễ dàng.
- Đối với trẻ nhỏ bị nôn mửa hoặc tiêu chảy, cần tiến hành điều trị mất nước.
- Đối với trẻ sơ sinh (đặc biệt là trẻ mới sinh, sinh non), trẻ có hệ miễn dịch kém có thể cần hỗ trợ hô hấp như thở oxy hoặc thở máy. Hoặc dùng kháng sinh trong trường hợp có bội nhiễm viêm phổi.
Phụ huynh cũng cần lưu ý trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào điều trị cho trẻ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn. Khuyến khích ba mẹ không tự ý dùng thuốc và có cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Cách phòng ngừa
Để phòng bệnh cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ, ba mẹ cần chú ý những vấn đề sau:
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ
Một chế độ ăn uống đầy đủ các chất cần thiết sẽ giúp tăng sức đề kháng cho trẻ. Khi có một hệ miễn dịch khỏe mạnh, nguy cơ mắc bệnh giảm nhất là với đường hô hấp giảm.
Các chuyên cũng khuyến khích mẹ nên cho con bú ngay từ sau khi sinh và nuôi con bằng sữa mẹ. Khi trẻ bước vào thời kỳ ăn dặm, mẹ nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để lên thực đơn hợp lý với từng giai đoạn phát triển của con.
Đảm bảo vệ sinh và hướng dẫn trẻ đúng cách
Không chỉ thực hiện vệ sinh đúng cách cho trẻ, phụ huynh cần hướng dẫn để tạo thói quen tốt cho con thực hiện:
- Thường xuyên vệ sinh mũi họng và nên sử dụng nước muối sinh lý làm sạch mũi mỗi ngày.
- Hướng dẫn trẻ cách rửa tay đúng cách và nhắc nhở thực hiện thường xuyên.
- Hướng dẫn trẻ cách ho và hắt hơi vào khăn tay hoặc khăn giấy, không ho và hắt hơi vào tay.
- Chú ý giữ các bề mặt trẻ hay tiếp xúc như mặt bàn, đồ chơi, đồ dùng,… được sạch sẽ.
Tránh tiếp xúc với nguồn bệnh
Nếu khu vực sinh sống của gia đình đang có ca nhiễm Adenovirus, hãy đảm thực hiện các phương pháp bảo vệ cho trẻ:
- Tránh đưa trẻ đến những nơi công cộng đông người như bệnh viện, trường học, nhà trẻ… Trường hợp bắt buộc, hãy đeo khẩu trang đầy đủ và sát khuẩn khi về nhà.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ theo khuyến cáo của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Tuân thủ các cách phòng ngừa kể trên giúp giảm thiểu nguy cơ mắc Adenovirus, đồng thời tránh làm lây nhiễm bùng phát khi có dịch bệnh.
Nếu không may bé bị Adeno, nắm rõ các triệu chứng để phát hiện kịp thời và đưa trẻ đến cơ sở y tế sẽ tránh được các rủi ro tối đa với trẻ. Ngoài ra, ba mẹ cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng ngừa và tham gia tiêm phòng đầy đủ cho con.