Đa số phụ nữ đều gặp phải tình trạng khó thở khi mang thai. Nhiều mẹ thấy khó thở ngay từ giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên, có mẹ lại phải đến 3 tháng cuối mới thấy tình trạng này. Nếu bạn đang trong tình huống này thì đừng quá lo lắng, khó thở khi mang thai là điều bình thường, không gây hại đến thai nhi. Tuy nhiên, một số trường hợp, khó thở là biểu hiện của bệnh lý, mẹ bầu nên biết để chủ động đi khám.
Nguyên nhân khiến bà bầu bị khó thở
Thực tế, gần 75% phụ nữ trước khi mang thai không bao giờ thấy khó thở. Hoặc chỉ khó thở khi hoạt động thể chất quá sức hay ở trong không gian kín quá lâu. Nhưng theo thống kê lại có đến 60 – 70% mẹ bầu thấy khó thở trong thai kỳ. Thậm chí, đây còn là triệu chứng song hành cùng các mẹ suốt quá trình mang thai.
Nguyên nhân của khó thở khi mang thai rất nhiều, thường gặp nhất là do sự thay đổi của hormone progesterone. Thừa progesterone ảnh hưởng trực tiếp tới hơi thở của mẹ bầu. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác khiến bà bầu bị khó thở:
Bệnh hen suyễn
Hen suyễn còn có cách gọi khác là hen phế quản xảy ra do phế quản bị viêm kéo dài. khi đó, đường dẫn khí của mẹ bầu nhạy cảm với nhiều tác nhân, nặng tức ngực, khó thở. Cơn hen có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Do đó, các mẹ bị hen suyễn nên thăm khám đều đặn để kiểm soát bệnh, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và thai nhi.
Bệnh thuyên tắc phổi
Tình trạng nghẽn mạch máu phổi do các cục máu đông gây ra được gọi là thuyên tắc phổi. Thông thường, thuyên tắc phổi chủ yếu xảy ra ở hai vị trí là rìa phổi và động mạch trung tâm phổi. Nguy cơ mắc bệnh lý này ở phụ nữ mang thai rất cao, gấp 5 lần người bình thường. Bị bệnh, mẹ bầu sẽ thấy đau ngực, đặc biệt đau nhói khi hít vào và khó thở, có trường hợp bị ho ra máu.
Bà bầu bị bệnh cơ tim chu sản
Nguyên nhân nữa gây khó thở khi mang thai là do bệnh cơ tim chu sản. Đây là căn bệnh cho thấy tình trạng suy tim nhưng không rõ lý do, thường xảy ra trong những tháng cuối thai kỳ. Triệu chứng của bệnh cơ tim chu sản khá giống với suy tim như khó thở, tim đập nhanh, phù mắt cá chân,… Tuy tỷ lệ người mắc bệnh này rất thấp nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao nên mẹ bầu cần chú ý.
Tình trạng tích nước trong cơ thể
Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có rất nhiều thay đổi. Không ít mẹ bầu gặp tình trạng phù nề do tích nước. Việc phù nề làm ảnh hưởng trực tiếp đến xoang mũi và phổi dẫn tới khó thở. Phù nề càng nhiều thì hoạt động hô hấp hít thở càng gặp khó khăn.
Bà bầu bị thiếu máu
Trong quá trình mang thai, nhu cầu về sắt của cơ thể đòi hỏi tăng lên rất nhiều để cung cấp cho thai nhi. Nếu không bổ sung sắt kịp thời, mẹ bầu rất dễ bị thiếu máu. Khi đó, lượng sắt không đủ dẫn đến không sản xuất đủ các tế bào hồng cầu và đưa oxy đi nuôi cơ thể. Hệ quả là cơ thể bắt buộc phải làm việc nhiều hơn để tạo oxy khiến mẹ bầu khó thở. Vì thế nhiều mẹ bầu bị khó thở khi mang thai tháng thứ 5 trở đi vì lúc này nhu cầu về sắt tăng lên.
Không những thế, thiếu máu còn tăng nguy cơ sảy thai, sinh non ở mẹ, nhẹ cân, suy dinh dưỡng và các bệnh về thần kinh, não bộ ở thai nhi.
Tử cung mở rộng khiến cơ hoành bị chèn ép
Theo thời gian, khi em bé càng lớn lên, tử cung cũng mở rộng để đáp ứng nhu cầu về không gian cho thai nhi. Điều này gây áp lực lên cơ hoành – là dải mô cơ ngăn cách tim và phổi với bụng khiến bà bầu khó thở tháng cuối.
Khó thở khi mang thai có nguy hiểm không?
Thông thường, mẹ bầu sẽ thấy khó thở ở 3 tháng đầu tiên và 3 tháng cuối của thai kỳ. Không ít bà bầu bị khó thở khi mang thai tháng đầu cho đến tận tháng cuối cùng. Nhìn chung, tuy khá khó chịu và mệt mỏi nhưng khó thở khi mang thai là triệu chứng bình thường, không gây nguy hiểm.
Tuy nhiên, nếu tình trạng khó thở diễn tiến ngày càng nghiêm trọng thì không thể chủ quan. Và nếu khó thở đột ngột kèm theo một số triệu chứng bất thường khác, các mẹ cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra:
- Ho ra máu
- Chóng mặt, ngất xỉu
- Thở gấp, tim đập nhanh và mạnh
- Thở khò khè, ho dai dẳng không dứt cơn
- Sốt, ớn lạnh
- Da, môi, các ngón tay, ngón chân trở nên xanh tái.
Giảm tình trạng khó thở khi mang thai như thế nào?
Khó thở khi mang thai chắc chắn khiến mẹ bầu vô cùng khó chịu. Quãng đường đón bé yêu càng ngắn lại thì tình trạng khó thể càng tăng lên. Không thể giúp loại bỏ hoàn toàn triệu chứng này nhưng một số cách dưới đây sẽ giúp các mẹ giảm nhẹ triệu chứng:
Vận động nhẹ nhàng
Nghỉ ngơi không đồng nghĩa với việc chỉ nằm hoặc ngồi một chỗ. Các bài tập nhẹ nhàng ở một số bộ môn như bơi, yoga,… vừa giúp các mẹ khỏe hơn vừa điều hòa, kiểm soát hơi thở rất tốt. Những bài tập thở áp dụng trong lúc sinh cũng là gợi ý không tồi để mở rộng phổi, giảm khó thở. Nhưng để đảm bảo an toàn, các mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ và tập cùng huấn luyện viên là tốt nhất.
Thay đổi tư thế
Khi thấy khó thở, thay đổi tư thế là giải pháp bà bầu có thể áp dụng ngay tức khắc. Việc đứng thẳng hoặc ngồi thẳng lưng sẽ giúp các mẹ hít thở dễ dàng hơn do phổi có khoảng không để tiếp nhận oxy.
Nếu khó thở vào ban đêm, bạn nên ưu tiên nằm nghiêng sang trái. Tư thế này giúp tử cung không đè vào động mạch chính dẫn máu chứa oxy cung cấp cho cơ thể, nhờ đó hít thở tốt hơn. Bạn cũng nên chuẩn bị thêm gối bầu để chèn vào lưng và phần thân trên, như thế phổi sẽ không phải chịu áp lực từ thai nhi giúp giảm bớt khó thở.
Khám thai định kỳ
Khám thai định kỳ rất quan trọng, không thể bỏ qua. Nếu mẹ bầu có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến hô hấp đương nhiên cần thăm khám thường xuyên để theo dõi tình trạng sức khỏe. Với những mẹ sức khỏe bình thường cũng nên lắng nghe cơ thể mình, khám thai đúng lịch hẹn để phát hiện sớm những bệnh lý gây khó thở khi mang thai (nếu có).
Hạn chế tiếp xúc với mùi khó chịu hoặc mùi thuốc lá
Khói thuốc lá vô cùng độc hại với phụ nữ có thai. Khói thuốc không chỉ gây khó thở cho mẹ bầu mà còn tăng nguy cơ gây nên những bất thường và dị tật ở thai nhi. Vì thế, các mẹ tuyệt đối không được hút thuốc, tránh xa khói thuốc trong thời gian mang thai. Đồng thời, để giảm tình trạng khó thở, bạn cũng hạn chế tiếp xúc với những mùi dễ gây dị ứng như phấn hoa, hương nhân tạo, chất tẩy rửa,…
Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ
Môi trường sống hằng ngày chính là chìa khóa giúp giảm khó thở khi mang thai. Không gian thoáng đãng, được vệ sinh sạch sẽ đảm bảo không bụi bẩn, nấm mốc, vi rút, vi khuẩn ngăn ngừa các bệnh hô hấp hiệu quả cũng giảm khó thở đáng kể. Các mẹ có thể đầu tư máy hút bụi, máy lọc không khí để làm sạch tốt hơn.
Nghỉ ngơi đầy đủ
Nghỉ ngơi là yếu tố quan trọng nhất giúp thai phụ hạn chế tình trạng khó thở. Khi mang thai, bạn không thể làm việc, hoạt động như bình thường. Vì thế, đừng ép bản thân phải làm khối lượng công việc như khi chưa có bầu. Thay vào đó, cố gắng sắp xếp công việc trong ngày hợp lý, dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi.
Không có những triệu chứng đáng lo ngại thì khó thở khi mang thai hoàn toàn không gây hại cho mẹ và bé. Mong rằng bài viết này đã cung cấp thêm thông tin cho mẹ bầu về tình trạng khó thở thường gặp trong thai kỳ và một số cách giảm nhẹ triệu chứng. Biostime luôn đồng hành cùng các mẹ trên hành trình mang thai của mỗi người.
Tôi là Giám Đốc Marketing của công ty TNHH Đầu tư XNK Hoan TT. Một doanh nghiệp chuyên phân phối sản phẩm sữa Úc chất lượng, đứng đầu thị trường Việt Nam.