Một trong những hiện tượng các mẹ bầu thường gặp nhất là chuột rút. Nhìn chung, chuột rút không gây hại cho sức khỏe của mẹ, không ảnh hưởng đến thai nhi. Nhưng chuột rút khi mang thai khiến các mẹ không thể cử động và đau nhức, tác động xấu đến giấc ngủ và hoạt động.
Hiện tượng chuột rút khi mang thai
Sự co thắt đột ngột ngoài ý muốn ở một hay nhiều nhóm cơ gây đau dữ dội được gọi là hiện tượng chuột rút. Đây là hiện tượng sinh lý hết sức bình thường của mọi người, trong đó bà bầu có nguy cơ cao bị chuột rút hơn.
Với thai phụ, thông thường chuột rút xuất hiện vào ban đêm khi các mẹ vừa chìm vào giấc ngủ. Cũng không ít trường hợp chuột rút xuất hiện bất ngờ ngay cả khi ngủ say. Tình trạng này bắt đầu từ tháng thứ 3, kéo dài trong suốt thai kỳ và xuất hiện nhiều hơn, nghiêm trọng hơn ở giai đoạn 3 tháng cuối.
Vị trí bị chuột rút phổ biến nhất là ở đùi, bàn chân, bắp chân. Một số trường hợp chuột rút cũng xảy ra trên thân hoặc ở tay. Nguy hiểm nhất là chuột rút ở vùng bụng vì làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non nếu không có biện pháp xử lý ngay tức thì.
Dấu hiệu bị chuột rút dễ thấy nhất là các khối mô cứng hiện lên dưới da. Tuy nhiên, nếu các mẹ có kèm theo việc đau dữ dội kéo dài ở vùng bị chuột rút, đau bụng, đau vai hay chảy máu thì cần đến ngay cơ sở y tế. Hay bà bầu bị chuột rút với tần suất thường xuyên, mức độ ngày càng đau cùng nên tới gặp bác sĩ để khám và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân bị chuột rút ở mẹ bầu
Nguyên nhân tình trạng chuột rút ở người bình thường có thể do rối loạn điện giải, rối loạn cân bằng các chất. Một phần lý do cũng đến từ việc hoạt động quá mức dẫn đến co cứng cơ, cụ thể:
Trọng lượng cơ thể mẹ bầu tăng trong thai kỳ
Trong suốt thai kỳ, tăng cân là việc đương nhiên sẽ xảy ra, trung bình từ 10 – 20kg tùy từng người mẹ. Tình trạng tăng cân nhiều và nhanh trong tam cá nguyệt thứ ba khiến bà bầu hay bị chuột rút. Khi đó, đôi chân, đặc biệt là bắp chân phải chịu áp lực lớn hơn để nâng đỡ cả cơ thể. Điều này dẫn tới tê bì và chuột rút khi ngủ.
Tử cung to gây áp lực lên mạch máu
Tử cung của người mẹ theo sự phát triển của thai nhi sẽ mở rộng hơn để tạo chỗ nằm cho em bé. Điều này khiến các cơ và dây chằng nâng đỡ tử cung bị kéo căng. Đồng thời, các mạch máu xung quanh bị chèn ép làm hạn chế lượng máu đưa xuống chân dẫn đến tình trạng chuột rút. Có nhiều mẹ còn cảm nhận được chuột rút co cơ ở vùng bụng dưới.
Thiếu canxi
Dinh dưỡng của thai nhi hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ. Do đó, em bé sẽ lấy canxi từ mẹ để phát triển hệ xương nên nhu cầu canxi của bà bầu là rất lớn đặc biệt vào những tháng cuối thai kỳ. Việc bổ sung canxi qua khẩu phần ăn hằng ngày đương nhiên không đủ đáp ứng nhu cầu đó. Lúc này, theo cơ chế tự nhiên, cơ thể mẹ bầu sẽ rút canxi truyền qua cho con dẫn đến thiếu hụt canxi gây nên chuột rút.
Thiếu chất khoáng
Chuột rút xảy ra cũng có thể do sự thiếu hụt một số khoáng chất như magie, kali, natri,… Magie là dưỡng chất củng cố chức năng cơ bắp nên khi thiếu dễ bị chuột rút. Kali là một trong những chất điện giải quan trọng, khi thiếu sẽ làm hệ thần kinh, cơ bắp, hệ thống tim mạch hoạt động kém hiệu quả dẫn tới chuột rút.
Mất nước khiến cơ thể bị rối loạn điện giải
Nếu mẹ bầu thấy nước tiểu màu vàng đậm nghĩa là cơ thể bạn đang thiếu nước. Một số biểu hiện khác của tình trạng thiếu nước là da khô ráp, môi bong tróc, đau đầu, thèm đồ ngọt…
Cơ thể chúng ta không có cơ chế tự làm mát. Thân nhiệt càng nóng thì hiệu ứng nhiệt trên cơ bắp càng dễ xảy ra. Khi các cơ làm việc quá nhiều, sản sinh nhiều nhiệt lượng dẫn đến rối loạn điện giải thì chuột rút bắp chân là điều khó tránh khỏi.
Cách xử lý khi bị chuột rút
Chuột rút khi mang thai không phải tình trạng đáng lo ngại. Các mẹ không thể chủ quan nhưng cũng không nên quá lo lắng, hãy bình tĩnh và làm theo một số cách dưới đây:
Căng cơ trước khi đi ngủ
Luyện tập nhẹ nhàng với các cơ trước khi đi ngủ giúp cơ bắp được thư giãn, nhờ đó ngăn ngừa chuột rút lúc đang ngủ. Bạn có thể tập cơ với một số bài thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đi xe đạp đứng yên, thực hiện các động tác yoga phù hợp,…
Hoạt động thể chất thường xuyên
Sự trì trệ càng khiến tình trạng chuột rút trở nên nghiêm trọng hơn. Vì thế, mẹ bầu nên thường xuyên vận động nhẹ nhàng bằng những bài tập thể chất hợp lý. Khi làm việc, bạn cũng không nên ngồi một chỗ trong thời gian dài. Hãy thay đổi tư thế, đi đi lại lại để cột sống và các cơ được co giãn, máu lưu thông đến chân dễ dàng.
Các hoạt động ngoài trời cũng được khuyến khích. Đơn giản nhất là tắm nắng, vừa là hoạt động thể chất vừa giúp bạn bổ sung vitamin D và hấp thụ canxi một cách tự nhiên.
Bổ sung chất khoáng và canxi
Như đã đề cập ở trên, thiếu khoáng chất và canxi là nguyên nhân gây ra chuột rút. Nên để hạn chế việc bị chuột rút khi mang thai, mẹ bầu chú ý bổ sung đầy đủ canxi, khoáng chất và vitamin. Bà bầu cần bổ sung khoảng 1.000mg canxi/ngày hoặc nhiều hơn nếu đang trong tình trạng thiếu. Các mẹ có thể sử dụng những loại thực phẩm tự nhiên như tôm, cua, cá, trứng… hoặc các loại hạt, đậu, trái cây khô,… hay các viên uống thực phẩm chức năng đều được.
Uống đủ nước
Một trong những nguyên nhân gây chuột rút là mất cân bằng chất điện giải và cơ thể mất nước. Bởi vậy, giải pháp cải thiện tình trạng chuột rút là uống nhiều nước. Tất cả các loại nước lọc, thức uống thể thao, nước uống bổ sung điện giải đều tốt, nhất là khi các mẹ vừa vận động xong. Theo đó, lượng nước khuyến nghị với mẹ bầu là 2,5 lít mỗi ngày. Các mẹ uống bất cứ khi nào nhớ ra hoặc có thể hẹn lịch uống nước để tránh quên cũng là gợi ý không tồi.
Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng
Sự mệt mỏi, căng thẳng cũng dễ khiến các mẹ bị chuột rút. Để hạn chế tình trạng này, bà bầu cố gắng giữ cho mình một tinh thần sảng khoái, tránh quá áp lực, stress, lo lắng. Hãy để bản thân được thư giãn và đầu óc được nghỉ ngơi một cách khoa học.
Massage cơ bắp hoặc đi lại nhẹ nhàng
Massage đúng kỹ thuật vừa giúp hạn chế các cơn co cứng và chuột rút chân vừa giúp các bà bầu thư giãn, giải tỏa stress, ngủ sâu và ngon hơn.
Các mẹ để thẳng chân, xoa bóp nhẹ nhàng mắt cá, các ngón chân rồi đến các cơ bắp ở vị trí thường bị chuột rút. Áp dụng massage cùng tắm nước nóng, ngâm mình với nước ấm, chườm đá sẽ nâng cao hiệu quả hơn.
Chuột rút khi mang thai không quá nghiêm trọng nên mẹ bầu đừng lo lắng quá. Với những cách xử lý được gợi ý trong bài viết này, mong rằng sẽ giúp các mẹ giảm được tình trạng chuột rút. Nếu cần, bạn vẫn có thể đến gặp bác sĩ để được tư vấn chi tiết hơn và vững vàng tâm lý, yên tâm hơn trong thai kỳ.
Tôi là Giám Đốc Marketing của công ty TNHH Đầu tư XNK Hoan TT. Một doanh nghiệp chuyên phân phối sản phẩm sữa Úc chất lượng, đứng đầu thị trường Việt Nam.