Trẻ sơ sinh ăn trứng gà có thể giúp bé bổ sung những dưỡng chất cần thiết để cơ thể phát triển toàn diện. Bởi trứng gà là một loại thực phẩm phổ biến với giá trị dinh dưỡng cao. Dù vậy, cấu tạo và hoạt động của các cơ quan trong cơ thể người lớn và trẻ nhỏ vẫn có sự khác biệt. Do đó, bố mẹ cần lưu ý một số vấn đề khi cho bé ăn trứng gà để xây dựng cho con thực đơn thích hợp.
Ăn trứng gà có tốt cho trẻ sơ sinh không?
Trứng có vai trò quan trọng trong việc đóng góp nguồn dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang phân vân về vấn đề ăn nhiều trứng gà có tốt hay không.

Lợi ích của trứng gà với trẻ sơ sinh
Từ trứng gà có thể làm được rất nhiều món ăn như trứng luộc, trứng rán,… không chỉ hấp dẫn người lớn mà còn được trẻ nhỏ yêu thích.
Về cơ bản, trứng gà là một thực phẩm chứa đến 13 loại vitamin và khoáng chất khác nhau. Vì vậy, món ăn này có thể đem đến một số lợi ích cho trẻ nhỏ như:
- Choline trong trứng có thể giúp não bộ phát triển khỏe mạnh.
- Cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết như protein, sắt, axit béo thiết yếu, vitamin A, D, E và B12, lipid, glucid, các loại men và hormone. Nhiều chất khác có lợi cho sản xuất enzyme, hemoglobin và các tế bào mới.
- Một số quả trứng chứa đến 6g protein, tương đương với ½ lượng protein được khuyến nghị bổ sung hàng ngày cho trẻ mới biết đi và ⅓ đối với trẻ lớn hơn.
- Đối với trẻ đi học, một bữa sáng giàu protein với trứng có thể giúp trẻ no lâu và đầy đủ năng lượng để học tập, vui chơi suốt một ngày dài. Điều này sẽ giúp giảm vấn đề ăn vặt không lành mạnh.
Không những cung cấp nhiều chất có lợi cho cơ thể, trứng gà còn là thực phẩm dễ tìm, dễ chế biến, giá cả phải chăng. Chế biến trứng gà luôn thuận tiện và phù hợp với mọi gia đình.
Tuy nhiên, trứng cũng có thể gây ra một số vấn đề nếu sử dụng không hợp lý.
Tác dụng phụ của trứng gà với trẻ sơ sinh
Để thúc đẩy sự phát triển của trẻ sơ sinh, một số bà mẹ cho con ăn trứng hầu hết ở các bữa ăn. Điều này có thể khiến trẻ bị khó tiêu, nghiêm trọng hơn là dẫn đến tiêu chảy.
Nguyên nhân do chức năng tiêu hóa và đường tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn toàn, sự bài tiết của enzyme tiêu hóa không đủ. Vậy nên việc ăn trứng nhiều sẽ làm tăng gánh nặng cho dạ dày và ruột của bé.

Không những vậy, một số trẻ có thể bị dị ứng với trứng gà. Đây không phải tình trạng hiếm vì có khoảng 9% trẻ dưới 4 tuổi gặp phải. Trong đó, lòng trắng trứng là phần chứa nhiều protein nên có khả năng gây dị ứng từ nhẹ đến nặng.
Mặt khác, một số trường hợp trẻ em có thể ăn trứng chín nhưng dị ứng với trứng sống. Nếu trẻ có phản ứng dị ứng với protein của trứng thì có thể xuất hiện những triệu chứng sau:
- Về da: Phát ban, sưng tấy, đỏ bừng hoặc bị chàm.
- Về tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, thậm chí là tiêu chảy.
- Về hô hấp: chảy nước mũi, thở khò khè hoặc khó thở.
- Về tim mạch: Nhịp tim nhanh, có thể kèm theo huyết áp thấp.
Mức độ dị ứng có thể phụ thuộc vào lượng trứng đã hấp thụ hoặc hệ miễn dịch của trẻ. Một vài trường hợp nghiêm trọng gọi là sốc phản vệ, gây khó thở, tụt huyết áp,… Nếu nhận thấy điều này, hãy đưa trẻ nhập viện càng nhanh càng tốt để được cấp cứu kịp thời.
Tuy trứng là thực phẩm rất tốt cho cơ thể nhưng cần lưu ý tới hàm lượng hấp thụ vào. Các mẹ cần cho con ăn đúng cách để bé phát triển khỏe mạnh.
Hướng dẫn cho trẻ sơ sinh ăn trứng gà đúng cách
Cha mẹ có thể tham khảo một số hướng dẫn chung cho trẻ tập ăn trứng như sau:
Trẻ mấy tháng tuổi ăn được trứng gà?
Để bé quen với trứng, bố mẹ nên cho bé tập ăn khi bước vào giai đoạn ăn dặm. Theo các bác sĩ nhi khoa, 6 tháng là thời điểm thích hợp nhất. Việc tập ăn trứng có thể giúp trẻ có thể bị dị ứng cao dần phát triển khả năng chịu đựng và giảm nguy cơ dị ứng.
Tuy nhiên, để tránh rủi ro, mẹ nên tách riêng lòng đỏ và lòng trắng. Sau mỗi lần ăn, mẹ nên đợi cách ngày để xem bé có biểu hiện của dị ứng hay không.
Lượng trứng gà phù hợp với trẻ theo số tuổi
Tuỳ theo độ tuổi của trẻ để mẹ có thể điều chỉnh hàm lượng trứng thích hợp cho mỗi bữa ăn:
- Trẻ 6 – 7 tháng tuổi: 1⁄2 lòng đỏ trứng gà cho một bữa ăn và 2 – 3 bữa một tuần.
- Trẻ 8 – 12 tháng tuổi: 1 lòng đỏ cho một bữa ăn và 3 – 4 bữa trứng một tuần.
- Trẻ 1 – 2 tuổi: 3 – 4 quả trứng một tuần và nên ăn cả lòng trắng.
- Trẻ từ 2 tuổi trở lên: có thể ăn 1 quả/ngày nếu trẻ thích. Nếu không thích thì chỉ cần đảm bảo ăn 3 – 4 quả mỗi tuần.
Cách chế biến trứng gà phù hợp với từng lứa tuổi
Không nên ăn trứng gà sống, trứng chần hay hòa vào canh nóng, cháo nóng. Trứng cần được làm chín trước khi ăn để đề phòng nhiễm khuẩn do:
- Đường sinh dục của gà có nhiều vi khuẩn, đặc biệt là Salmonella và chúng có thể xâm nhập vào trong trứng.
- Lòng trắng trứng sống có chất chống biotin (vitamin H), gây cản trở hấp thụ biotin của cơ thể. Vitamin H là chất quan trọng trong quá trình sử dụng protein và đường – bột.
Nếu rán trứng hoặc ốp la trên lửa to thì lòng trắng dễ bị cháy, làm tiêu hủy các vitamin tan trong nước như vitamin B1, B2. Trong khi đó, lòng đỏ chưa chín kỹ và chưa được tiệt khuẩn. Vì vậy, nếu làm món trứng rán hay trứng ốp la, mẹ nên để lửa nhỏ trong thời gian đủ dài để chín đều cả quả.

Tỷ lệ tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng theo cách chế biến trứng như sau:
- Trứng sống: 40%.
- Trứng luộc:100%.
- Trứng rán chín tới: 98,5%.
- Trứng rán già: 81%.
- Trứng ốp: 85%.
- Trứng chưng: 87,5%.
Vì vậy, có thể thấy rằng món trứng luộc chín tới sẽ có lợi nhất cho cơ thể
Tuy vậy, chỉ chế biến phù hợp là chưa đủ để bé có thể hấp thụ các chất có lợi trong trứng gà một cách tốt nhất.
Lưu ý khi cho trẻ sơ sinh ăn trứng gà
Khi cho con ăn trứng, mẹ cần phải chú ý một số điểm, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh.
Không nên dùng trứng gà quá thường xuyên
Mặc dù là thực phẩm bổ dưỡng, mẹ cũng nên có chế độ ăn thích hợp cho bé. Mục đích là để tránh các tác động tiêu cực cho cơ thể bé nếu ăn quá nhiều. Ví dụ như trẻ sơ sinh bị dị ứng trứng gà hay các vấn đề về tiêu hóa,….
Nấu chín trứng gà khi cho trẻ sơ sinh ăn
Trứng rất dễ bị nhiễm khuẩn dù vỏ không bị nứt. Mẹ nên cho trẻ ăn trứng đã được làm chín. Trứng nên được luộc trong 7 phút hoặc rán trong 3 phút. Bởi cấu trúc của trứng sống rất chặt chẽ, làm cho protein khó có thể tiêu hóa. Chỉ khi nấu chín, cấu trúc protein mới lỏng và dễ được hấp thụ.
Không ăn trứng khi trẻ bị sốt
Trứng có hàm lượng calo cao, nên khi ăn trứng, cơ thể trẻ sẽ sản xuất nhiệt bổ sung. Điều này không có lợi cho sự hồi phục của trẻ khi bị sốt.
Chọn trứng gà đạt chất lượng
Cần đảm bảo trứng không bị rạn, nứt hay quá hạn sử dụng. Bạn có thể thấy, vỏ trứng gà có màu trắng hoặc vàng nâu. Tuy nhiên, màu khác nhau không có nghĩa là thành phần chất khác nhau.

Đối với gà công nghiệp – loại gà được nuôi hoàn toàn bằng thức ăn hữu cơ, có tác dụng làm giảm lượng độc tố tồn tại trong trứng thông qua thức ăn. Đặc biệt là trứng gà omega 3, được nuôi hoàn toàn bằng hạt cây lanh (giàu axit béo omega 3). Tuy nhiên, loại trứng gà này chưa phổ biến trên thị trường và thường rất đắt.
Trẻ sơ sinh ăn trứng gà rất có lợi cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên, cần xây dựng chế độ ăn phù hợp để đảm bảo lượng trứng gà bé hấp thu là vừa đủ, để tránh những tình trạng không mong muốn xảy ra.