TOP 7 lưu ý quan trọng khi bầu 2 tháng mà các mẹ nên ghi nhớ

Mẹ bầu đang ở tháng thứ 2 của thai kỳ thường không có sự khác biệt nhiều so với tháng thứ nhất nhưng đây lại là giai đoạn quan trọng trong thai kỳ bởi lúc này thai nhi hình thành và phát triển nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh. Do đó để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh, mẹ bầu 2 tháng cần ghi nhớ 7 lưu ý quan trọng trong bài viết dưới đây.

bầu 2 tháng
Bầu tháng thứ 2 là giai đoạn quan trọng trong thai kỳ bởi lúc này thai nhi hình thành và phát triển nhiều cơ quan trong cơ thể (Ảnh sưu tầm)

Những thay đổi của mẹ trong 2 tháng đầu thai kỳ

So với tháng đầu tiên, bầu tháng thứ 2 không có nhiều thay đổi trong cơ thể mẹ. Một số biểu hiện cụ thể cho mẹ bầu ở giữa tam ca nguyệt thứ nhất bao gồm:

  • Thân nhiệt cao
  • Thường xuyên táo bón
  • Hay buồn ngủ
  • Âm đạo tiết dịch nhiều hơn
  • Cơ thể bắt đầu căng da
  • Kích thước tử cung tăng
  • Bụng đau nhói.

Ngoài ra, để nhận biết thai nhi đang phát triển mạnh khỏe, mẹ có thể quan sát thông qua các biểu hiện sau:

  • Ốm nghén: Buồn nôn và nghén khi ăn là hiện tượng bình thường ở mọi mẹ bầu. Mức độ nghén nặng – nhẹ tùy vào cơ địa của từng người.
  • Tăng cân: Cân nặng của mẹ sẽ tăng dần theo tháng tuổi của thai nhi, điều này thể hiện bé đang hấp thụ tốt dinh dưỡng từ mẹ
  • Cơ thể nhức mỏi: Đau lưng, tê tay, tê chân…là cảm giác phổ biến khi mẹ mang bầu, đặc biệt trong 2 tháng đầu do cơ thể chưa kịp thích nghi
  • Buồn tiểu nhiều hơn: Thai nhi trong bụng sẽ chèn một số bộ phận xung quanh như bàng quan hay thận, khiến mẹ buồn tiểu nhiều hơn
  • Chỉ số ổn định: Trong các buổi siêu âm, xét nghiệm hay tầm soát dị tật ở thai nhi, nếu các chỉ số được đánh giá ổn định có nghĩa là em bé đang phát triển tốt.

Trên thực tế, biểu hiện ở từng mẹ bầu sẽ khác nhau, không nên áp dụng tiêu chuẩn chung để đánh giá sức khỏe thai kỳ. Để có được thông tin chính xác, mẹ nên khám thai định kỳ đúng lịch và làm theo các lời khuyên của bác sĩ.

7 điều quan trọng mẹ bầu 2 tháng cần lưu ý

Bên cạnh các dấu hiệu cơ bản trên, thai phụ cùng gia đình cần lưu ý những điều sau đây để mẹ và bé luôn an toàn:

Thực đơn dành cho bà bầu

Bước sang tháng thứ 2 của thai kỳ, một số mẹ bầu vẫn còn các triệu chứng ốm nghén, thậm chí còn nặng nề hơn. Nhiều mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi và không thể ăn uống được. Để em bé được phát triển tốt nhất, mẹ nên cố gắng ăn uống điều độ trong giai đoạn bầu 2 tháng.

Vậy bà bầu 2 tháng nên ăn gì? Mẹ bầu có thể tham khảo một số thông tin về chế độ ăn uống ngay sau đây:

  • Lượng sắt trung bình của một thai phụ là 27mg/ngày, do đó mẹ bầu cần tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt như thịt bò, thịt nạc, cá, các loại rau có màu xanh đậm, trái cây và nhiều loại hạt ngũ cốc. Mẹ bầu cũng cần lưu ý cơ thể dễ hấp thụ sắt từ động vật hơn là từ thực vật. Ngoài ra trong các loại thực phẩm nói trên cũng giàu protein tạo nền tảng cho sự phát triển của thai nhi trong tháng thứ 2 cũng như sự tăng lên về kích thước của tử cung và tuyến vú của người mẹ.
  • Giai đoạn tháng thứ 2 là giai đoạn phát triển hệ thần kinh của thai nhi, vì thế việc bổ sung acid folic rất cần thiết để giảm thiểu các nguy cơ dị tật bẩm sinh của ống thần kinh. Mẹ bổ sung vi chất này bằng cách ăn nhiều các loại thực phẩm khác nhau như hoa quả, ngũ cốc, các loại hạt, đậu, rau xanh,…
  • Thực đơn của mẹ bầu cần bổ sung nhiều các loại rau và trái cây tươi để tăng hàm lượng chất xơ, các vitamin D, C, K, E,… cùng các khoáng chất khác giúp cải thiện hệ tiêu hóa, giảm tình trạng táo bón cho mẹ bầu.
  • Trứng, sữa, các chế phẩm từ sữa, rau xanh, ngũ cốc,… cung cấp nhiều canxi đảm bảo sự hình thành và phát triển hệ xương của thai nhi.

Xem thêm: Tất tần tật thực đơn cho bà bầu không tăng cân tốt cho mẹ và bé

bầu 2 tháng
Mẹ bầu 2 tháng đầu nên ăn các thực phẩm giàu acid folic, sắt, vitamin

Ngoài những thực phẩm tốt cho mẹ và bé, trong thực đơn của mẹ bầu 2 tháng cũng nên tránh hoặc hạn chế các loại thực phẩm sau:

  • Thực phẩm tái sống: Các món ăn được chế biến để ăn tái, ăn sống hoặc lên men như sushi, gỏi cá sống, thịt bò tái, nem chua,… luôn tiềm ẩn nhiều mầm bệnh và nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó những loại đồ ăn này không nên đưa vào trong chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu.
  • Nội tạng động vật: Gan động vật là nguồn cung cấp sắt cho bà bầu và protein dồi dào, nhưng nếu ăn quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ sảy thai. Lòng lợn, lòng bò, lòng gà,… không được chế biến sạch sẽ có thể gây ra các bệnh về đường tiêu hóa.
  • Thủy hải sản chứa lượng thủy ngân cao: Thịt cá mập, cá thu, cá ngừ,…
  • Một số loại rau quả dễ gây sảy thai, sinh non: Rau ngót, đu đủ xanh, dứa, măng tươi, khổ qua,…
  • Đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên rán: Gà rán, đồ ăn vặt quá nhiều dầu mỡ, đồ ăn đóng hộp,…

Thời gian siêu âm thích hợp

Trong 2 tháng đầu mang thai, lịch khám thai thường là tuần thứ 7 hoặc tuần thứ 8 của thai kỳ để xác định tim thai cùng các chỉ số phát triển của em bé xem có tương ứng với tuổi thai hay không. Trường hợp thai nhi phát triển kém hơn tuổi thai bác sĩ sẽ tư vấn và kê đơn thuốc bồi bổ cần thiết. Nếu mẹ bầu 2 tháng có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như đau bụng, chảy máu âm đạo,… cần đi siêu âm ngay để đảm bảo sự an toàn của mẹ và thai nhi.

Vận động nhẹ hằng ngày

Tháng thứ 2 của thai kỳ là thời điểm có nguy cơ dễ bị sảy thai vì lúc này bào thai đang trong quá trình hình thành, chưa ổn định. Việc mẹ vận động mạnh, thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ động thai hoặc sảy thai.

Do đó, mẹ nên lựa chọn những vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga, tập các bài thể dục nhẹ,… Vận động hàng ngày mang lại rất nhiều lợi ích như: Không ảnh hưởng tới bụng bầu 2 tháng, giúp mẹ ngủ ngon hơn, đốt cháy calo, giảm nguy cơ mắc một số bệnh về cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, giảm tỷ lệ trầm cảm và dễ sinh thường hơn.

Khi vận động, bà bầu 2 tháng cần lưu ý những vấn đề sau để đảm bảo an toàn:

  • Cung cấp đủ lượng calo, bổ sung đủ nước khi vận động.
  • Lựa chọn trang phục thoải mái, rộng rãi.
  • Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia để thực hiện các bài tập phù hợp, tránh vận động mạnh, quá sức, tránh các bài tập nằm ngửa bụng hoặc đứng lâu một chỗ.
  • Hạ nhiệt ổn định nhịp tim sau khi vận động.
  • Duy trì vận động thường xuyên, tránh tập ở những môi trường có nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp.
bầu 2 tháng
Chị em nên áp dụng các bài tập nhẹ nhàng, tránh vận động mạnh khi mang thai 2 tháng đầu

Lựa chọn mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da an toàn

Khi mang thai, cơ thể của chị em phụ nữ có nhiều sự thay đổi, nhiều mẹ bầu gặp phải các vấn đề về da như: Mụn trứng cá, da xuất hiện nám, sạm da, da tiết nhiều dầu nhờn,… Nhưng việc sử dụng các loại mỹ phẩm bôi ngoài da hay dạng uống đều có thể gây ảnh hưởng tới thai nhi.

Bởi vậy, mẹ bầu 2 tháng nên hạn chế sử dụng mỹ phẩm hoặc lựa chọn các dòng sản phẩm có chiết xuất từ thiên nhiên và dưới sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn cho thai nhi.

Trong quá trình lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da, mẹ bầu cần tránh các loại mỹ phẩm có chứa các thành phần sau:

  • Retinol: Retinol có tác dụng trong việc kiểm soát dầu thừa và mụn nhưng nếu sử dụng trong thời gian dài, đặc biệt là những tháng đầu thai kỳ có thể gây dị dạng tim, đầu, não, cột sống,.. của thai nhi.
  • Paraben: Là một thành phần giúp mỹ phẩm bảo quản tốt và sử dụng được lâu hơn. Phụ nữ mang thai nếu tiếp xúc lâu dài với thành phần này sẽ dễ bị ngộ độc Paraben, có thể bị sảy thai.
  • Acid salicylic và Benzoyl peroxide: Hai chất này thường có trong các loại mỹ phẩm trị mụn, sữa rửa mặt, kem tẩy tế bào chết,… nếu mẹ bầu lạm dụng quá nhiều có thể gây hậu quả xấu cho sự phát triển của thai nhi.
  • Ngoài ra trong mỹ phẩm có các thành phần hóa chất khác như muối nhôm Aluminum chloride hexahydrate, tinh dầu thơm, hydroquinone,… bà bầu cũng nên tránh sử dụng.

Lưu ý: Nếu vấn đề về da của mẹ quá nghiêm trọng, có thể tìm đến các cơ sở y tế uy tín để nhận được tư vấn và cách điều trị của các bác sĩ.

Không sử dụng chất có cồn, có ga và caffeine

Phụ nữ mang thai luôn được khuyến cáo không nên sử dụng các loại chất kích thích, đặc biệt là đồ uống có cồn, có ga và caffeine như: rượu, bia, thuốc lá, các loại nước có ga, cà phê,… những sản phẩm này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của thai nhi. Nghiêm trọng nhất là gây dị tật bẩm sinh, thai phát triển bất thường và gặp một số vấn đề như:

  • Các vấn đề về hình thành phát triển trí não.
  • Cân nặng và chiều cao thấp hơn tiêu chuẩn.
  • Khuôn mặt dị dạng, kích thước vòng đầu nhỏ hơn bình thường,…
bầu 2 tháng
Phụ nữ mang thai luôn được khuyến cáo không sử dụng rượu và các đồ uống có cồn

Không mang giày cao gót

Mang giày cao gót thường xuyên khi mang bầu nhất là giai đoạn bầu 2 tháng có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới mẹ và thai nhi như:

  • Đau lưng: Bầu bị đau lưng là dấu hiệu của việc dây chằng vùng lưng và chân trở nên yếu hơn, nếu mẹ mang giày cao gót sẽ làm tăng áp lực lên khung xương chậu và lưng, dẫn đến đau lưng, đau dây chằng vùng thắt lưng, vùng xương chậu và cả chân.
  • Phù chân: Việc đi giày cao gót chật, đi giày cao gót thường xuyên sẽ khiến chân bị sưng phồng lên, làm nặng hơn tình trạng phù chân khi mang thai.
  • Giảm khả năng giữ thăng bằng: Khi mang thai, sự tăng cân và thay đổi hormone nội tiết tố sẽ làm giảm độ khỏe mạnh và khả năng giữ thăng bằng của cổ chân. Vì thế nguy cơ mẹ bị vấp ngã, mất thăng bằng xảy ra khi mẹ mang giày cao gót trong thời gian thai kỳ.
  • Tình trạng căng cơ, suy giãn tĩnh mạch, dễ bị chuột rút ở chân, thậm chí nặng nề hơn là sảy thai sẽ xảy ra nếu mẹ bầu vẫn cứ đeo các loại giày dép gót cao trong thời gian thai kỳ.

Việc mang giày dép cao gót ở phụ nữ mang thai tuy không được khuyến khích nhưng trong một số trường hợp nhất định mà mẹ bầu vẫn cần sử dụng đến giày cao gót có thể lựa chọn:

  • Những loại giày có gót cao vừa phải dưới 3cm, gót to và chắc chắn.
  • Lựa chọn những đôi giày thoải mái, không quá bó sát vào chân.
  • Khi đi giày cao gót, mẹ không nên di chuyển quá nhiều hoặc đứng quá lâu. Đồng thời nên tạo ra những khoảng thời gian ngắn để bỏ giày ra, massage chân, tập thể dục cho các cơ ở chân.

Các dấu hiệu bất thường khi mang bầu 2 tháng

Khi mang thai, mẹ bầu cần chú ý theo dõi nhiều hơn đến sức khỏe của bản thân. Nếu cơ thể mẹ có các dấu hiệu bất thường dưới đây cần lập tức đi khám để có giải pháp can thiệp kịp thời:

  • Nôn nghén quá mức: Nôn nghén là tình trạng thường thấy ở nhiều phụ nữ khi mang thai. Nhưng nếu tình trạng này diễn ra nghiêm trọng khiến mẹ bị mất nước, thiếu dinh dưỡng do không thể ăn uống được, thai nhi phát triển kém hoặc nguy cơ sinh non.
  • Chảy máu âm đạo: Khi âm đạo của mẹ ra máu bất thường, vùng bụng dưới xuất hiện các cơn đau quặn, đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sảy thai. Do đó, khi có những triệu chứng này, bạn cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế khám chữa kịp thời.
  • Âm đạo tiết quá nhiều dịch: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng âm đạo tiết nhiều dịch. Nhưng nếu hiện tượng này xảy ra và đi kèm với các triệu chứng co thắt tử cung, chảy máu,… mẹ bầu nên nhanh chóng tìm sự giúp đỡ của bác sĩ.
  • Ngứa ở lòng bàn tay – chân: Đây có thể là dấu hiệu của tình trạng ứ mật thai kỳ, cũng làm tăng nguy cơ sinh non hoặc thai lưu.
  • Tiểu nhiều, tiểu rắt, tiểu buốt, đau bụng dưới: Đây có thể là những dấu hiệu cho thấy mẹ bầu đang mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, bị nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm bàng quang,…
  • Suy giảm thị lực: Khi mẹ bầu thường xuyên nhìn thấy những chấm sáng, thị lực bị suy giảm mạnh, nhìn mọi thứ đều bị mờ hoặc kém hơn, không sắc nét như trước thì mẹ cần đến gặp ngay bác sĩ vì rất có thể xảy ra nguy cơ tiền sản giật thai kỳ.
bầu 2 tháng
Bà bầu nên đi khám càng sớm càng tốt khi có các biểu hiện bất thường

Trên đây là top 7 lưu ý quan trọng dành cho mẹ bầu 2 tháng đầu cần ghi nhớ để có một thai kỳ khỏe mạnh. Ngoài những lưu ý về việc đảm bảo một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu, hạn chế hoặc tránh các loại thức ăn đồ uống không tốt,… mẹ cũng nên thường xuyên đi thăm khám định kỳ để có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ cũng như các chỉ số phát triển của con.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Messenger Chat Zalo Gọi ngay