Cách xử lý khi xuất hiện đẹn ở trẻ sơ sinh cho cha mẹ

Đẹn ở trẻ sơ sinh là bệnh mà bất cứ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nào cũng có thể gặp phải. Đẹn là tên gọi của bệnh nấm lưỡi nên nhiều người còn gọi là đẹn lưỡi, tưa lưỡi. Khi bị đẹn, trẻ thường quấy khóc, bỏ bú khiến cha mẹ lo lắng. Cha mẹ cần nắm rõ cách xử lý để kịp thời giúp bé không cảm thấy khó chịu. 

Đẹn ở trẻ sơ sinh
Đẹn ở trẻ sơ sinh là bệnh mà bất cứ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nào cũng có thể gặp phải

Bị đẹn ở trẻ sơ sinh là gì? 

Đẹn hay đẹn lưỡi, tưa lưỡi, nấm lưỡi là một loại nhiễm trùng nấm men Candida albicans sống trong khoang miệng. Khi xuất hiện đẹn, vùng nướu, bề mặt lưỡi, vòm miệng của trẻ sẽ có những mảng hay vết loét trắng hoặc vàng. Đẹn thường gặp nhiều ở trẻ sơ sinh trong giai đoạn bú mẹ. Bệnh làm bé đau rát miệng lưỡi, đau họng khó nuốt, thường xuyên nôn trớ.

Xét về mức độ nguy hiểm, đẹn ở trẻ sơ sinh không phải loại bệnh nguy hiểm. Tuy vi khuẩn nấm phát triển nhanh có thể gây sưng viêm nhưng thường không để lại biến chứng nghiêm trọng. Dù thế, đẹn phát điều trị kéo dài, lâu khỏi, dễ tái phát làm con khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến ăn uống, con chậm tăng trưởng.  

Nhưng không phải vì vậy mà cha mẹ chủ quan khi con bị đẹn. Bởi nếu không được xử lý đúng cách, bé có thể bị tổn hại đến đường hô hấp, thậm chí là dạ dày và hệ tiêu hóa. 

Dấu hiệu bị đẹn ở trẻ sơ sinh

Đẹn được chữa trị sớm sẽ giảm bớt việc gây đau đớn, rút ngắn thời gian điều trị và hạn chế tái phát. Vì thế, việc phát hiện sớm các dấu hiệu trẻ sơ sinh bị đẹn có ý nghĩa rất lớn để xử trí kịp thời và phù hợp. Dưới đây là các biểu hiện dễ thấy xác định bé bị đẹn: 

Các mảng trắng trong miệng

Đây là dấu hiệu phổ biến và dễ thấy nhất. Khi bị đẹn, miệng bé nhất là các vùng niêm mạc má, vòm miệng, nướu răng sẽ có những mảng bám màu trắng. Nhưng các mảng này rất dễ nhầm lẫn với cặn sữa đọng lại sau bú mẹ. 

Để kiểm tra con có bị đẹn không, mẹ nhẹ nhàng gạc ngón tay hoặc dùng khăn ấm lau bề mặt lưỡi. Nếu bé không đau, lưỡi hồng lại bình thường thì không sao. Nếu mảng bám không bong ra hoặc có bong nhưng để lại mảng đỏ to thì khả năng cao đó là đẹn ở trẻ sơ sinh. Cùng với đó, khi bị đẹn, bề mặt niêm mạc và các góc miệng thường khô hơn và nứt nẻ. 

Lở miệng 

Ban đầu chỉ là các mảng trắng nhưng khi bệnh tiến triển nặng hơn, chúng sẽ hình thành các vết lở. Tùy tình trạng mà kích thước vết lở to nhỏ khác nhau. Những vết lở này có màu đỏ, khi ăn uống chạm nhẹ cũng thấy đau. 

Nứt lưỡi 

Đẹn miệng trẻ sơ sinh cũng có thể nhận biết qua đường nứt nhỏ màu đỏ trên lưỡi của bé. Các mẹ để ý thấy con có dấu hiệu này thì nên tìm cách xử trí ngay giúp con bớt đau rát, khó chịu. 

Bỏ bú, quấy khóc 

Đẹn ở trẻ sơ sinh chắc chắn khiến bé không thoải mái chút nào do những tổn thương ở lưỡi và khoang miệng. Vậy nên bé bú ít, bỏ bú, quấy khóc là điều dễ hiểu. Nhiều bé sơ sinh bị đẹn còn xuất hiện triệu chứng sốt. 

Nguyên nhân đẹn ở trẻ sơ sinh là gì?

Lý do chính của bệnh đẹn ở các bé sơ sinh là do nấm Candida albicans. Nơi chúng ẩn nấp là ở khoang miệng hoặc âm đạo. Loại nấm này rất dễ bị các vi sinh vật khác tấn công, xâm chiếm, tiêu diệt về dinh dưỡng một cách nhanh chóng. 

Tuy hệ miễn dịch của trẻ những năm tháng đầu đời chưa hoàn thiện nhưng vẫn có khả năng kiểm soát được nấm Candida albicans. Nhưng chỉ cần cơ thể bị ốm, miễn dịch suy giảm thì vi khuẩn, nấm sẽ “chớp thời cơ” ngay lập tức, phát triển mạnh mẽ và gây bệnh. 

Ngoài tác nhân trên thì còn một số nguyên nhân khác dẫn đến đẹn ở trẻ sơ sinh như: 

  • Môi trường sống của nấm Candida albicans có thể là âm đạo của phụ nữ. Trong quá trình chuyển dạ, với các sản phụ sinh thường, thai nhi phải di chuyển qua ống sinh của mẹ. Đây là điều kiện để nấm xâm nhập vào cơ thể bé ngay từ lúc lọt lòng. 
  • Vì chế độ dinh dưỡng của trẻ chưa tốt, không cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất. Cũng có thể do quy trình chế biến đồ ăn chưa đảm bảo vệ sinh hoặc một vài vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa của trẻ. 
  • Yếu tố giúp tạo môi trường thuận lợi cho nấm phát triển và hoạt động xuất phát từ việc trẻ bị bệnh bạch cầu. Đồng thời, những trẻ phải sử dụng kháng sinh nhiều cũng là điều kiện tốt để nấm sinh sôi. 
  • Đẹn ở trẻ sơ sinh có thể đến từ nguyên nhân mẹ không vệ sinh, lau khô vú đúng cách sau mỗi lần cho con “tu ti”. Núm vú giả hay bình sữa làm miệng trẻ ẩm hơn bình thường cũng chính là môi trường lý tưởng để nấm men phát triển và gây đẹn lưỡi. 
Đẹn ở trẻ sơ sinh
Mẹ cần vệ sinh núm vú đúng cách sau khi cho bé ti

Cách xử lý trẻ sơ sinh bị đẹn

Là bệnh khiến trẻ khó chịu nhưng cách xử lý đẹn cho các bé sơ sinh lại không hề phức tạp. Các bậc phụ huynh có thể áp dụng những phương pháp dân gian đơn giản, an toàn, hiệu quả cao như: 

  • Rau ngót:

Các mẹ dùng một nắm lá rau ngót, rửa thật sạch rồi nhúng rau qua nước sôi để tiệt trùng. Tiếp đó, xay nhuyễn rau để lấy nước rồi dùng khăn mềm, sạch thấm vào nước rau ngót để lau miệng và lưỡi cho bé yêu. Cách này được khuyến cáo cho bé trên 6 tháng tuổi. 

  • Trà xanh:

Trà xanh hay chè xanh nổi tiếng với đặc tính kháng khuẩn cao. Bạn dùng lá trà xanh rửa sạch, đun sôi với nước cho thêm chút muối hạt và cũng lau toàn bộ khoang miệng của trẻ. Kiên trì thực hiện, đẹn ở trẻ sơ sinh sẽ giảm đi đáng kể. 

  • Tỏi và lá diếp cá:

Cách này được dùng với trẻ lớn 2 tuổi đã biết cách ngậm đồ trong miệng. Các mẹ làm hỗn hợp diếp cá cùng tỏi nướng rồi cho nước nóng vào. Sau đó, mẹ lọc lấy khoảng một bát nước ấm cho bé ngậm mỗi lần 10 giây. Ngoài ra, bạn có thể dùng nước muối sinh lý NaCl 0,9% để làm sạch tưa lưỡi cho trẻ. 

Nhiều gia đình sẽ đưa bé đến cơ sở y tế để khám cụ thể về tình trạng đẹn. Tùy vào từng bé mà bác sĩ có thể kê thuốc kháng nấm thích hợp dạng bôi như Nystatin, Miconazole,… hoặc dạng thuốc viên. 

Không chỉ điều trị triệu chứng trẻ bị đẹn mà người mẹ cũng cần điều trị vì đẹn rất dễ lây truyền qua lại. Mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có chỉ định bôi kem chống nấm trên vú. Trong quá trình điều trị, trẻ vẫn cần được bú đủ nên các mẹ cố gắng động viên để bé không bỏ bú ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Các biện pháp phòng ngừa đẹn ở trẻ sơ sinh

Đẹn ở trẻ sơ sinh không khó điều trị nhưng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cha mẹ vẫn nên ưu tiên phòng ngừa trước. 

  • Với trẻ bú mẹ:

Trước khi cho con bú, mẹ cần vệ sinh núm vú và bầu vú sạch sẽ. Chú ý thay miếng lót vú sau mỗi lần cho bé bú. Lựa chọn áo lót bằng vải cotton và giặt chúng bằng nước nóng, sấy khô hoặc phơi khô hoàn toàn để tiêu diệt nấm men. 

  • Với trẻ bú bình:

Bình sữa sử dụng cần được hấp hoặc tráng bằng nước nóng ở nhiệt độ khoảng 40 – 50 độ C rồi mới pha sữa. Cẩn thận hơn, bạn có thể hấp/luộc núm vú, bình bú trong 5 – 7 phút để chắc chắn không còn mầm bệnh trong vật dụng. 

  • Thường xuyên vệ sinh lưỡi và khoang miệng:

Để làm sạch cặn sữa sót lại sau bú, các mẹ nên vệ sinh sạch khoang miệng và lưỡi của con bằng nước muối sinh lý. Lặp lại việc này ít nhất 2 lần mỗi ngày vào sáng và tối trước khi bé đi ngủ. Điều này giúp nấm không có môi trường phát triển, hạn chế khả năng gây đẹn cho bé. Khi rơ miệng, mẹ nhớ bấm gọn móng tay, rửa tay thật sạch. Quá trình tiến hành không đưa ngón tay quá sâu tránh làm con buồn nôn, từ đó gây ra tâm lý sợ hãi không hợp tác. 

Đẹn ở trẻ sơ sinh
Nên vệ sinh sạch khoang miệng và lưỡi của con bằng nước muối sinh lý

Đẹn lưỡi là bệnh nhiễm trùng thường gặp ở vùng miệng của bé sơ sinh. Bệnh gây nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến việc bú làm trẻ sụt cân, không đủ dưỡng chất. Nhưng nếu biết cách thì đẹn ở trẻ sơ sinh hoàn toàn có thể phòng ngừa và cũng dễ điều trị. Mong rằng qua những thông tin được cung cấp trên đây, các bậc phụ huynh đã có thêm kinh nghiệm để giúp bé yêu bớt khó chịu và nhanh khỏi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Messenger Chat Zalo Gọi ngay