Hướng dẫn cách nấu bột thịt gà cho bé ăn dặm đầy đủ dinh dưỡng

Bột thịt gà cho bé trong giai đoạn ăn dặm là sự lựa chọn đúng đắn của các bà mẹ. Bởi, thịt gà chứa nhiều chất sắt và protein, là nguồn dinh dưỡng chất lượng. Các món ăn dặm không chỉ cần hợp với khẩu vị của bé mà còn phải quan tâm đến hàm lượng dinh dưỡng trong mỗi chén bột. Khi trẻ đã ăn bột được 2 – 4 tuần, mẹ có thể cho con thưởng thức món ăn bổ dưỡng này.

Lợi ích của thịt gà với trẻ sơ sinh

100g thịt gà có thể cung cấp 67,6% (18,6g) nhu cầu protein hàng ngày của con người. Phần thịt ức gà chứa:

  • Niacin và photpho các tác dụng giải phóng năng lượng từ protein, carbohydrate và chất béo trong quá trình trao đổi chất.
  • Vitamin B6 và selen – chất chống oxy hóa mạnh mẽ.
Bột thịt gà cho bé
100g thịt gà có thể cung cấp 67,6% (18,6g) nhu cầu protein hàng ngày của con người (Ảnh sưu tầm)

Chất béo trong thịt gà là loại không bão hòa (chất béo bão hòa không lành mạnh nên cần hạn chế trong chế độ ăn uống). Lượng chất béo trong da gà nhiều gấp 2 lần so với thịt nạc. Chính vì mức độ dinh dưỡng của thịt gà, món ăn này mang lại những lợi ích cho bé như:

  • Giúp tăng cơ

Thịt ức gà có ít chất béo và giàu protein. Đây là chất rất cần thiết vì chúng giúp cơ bắp phát triển. Bên cạnh đó, protein từ thịt gà cũng dễ tiêu hóa và hấp thu.

  • Chắc khỏe xương

100g thịt gà có chứa 182mg photpho và 15 mg canxi. Hai khoáng chất này có vai trò rất quan trọng đối việc việc hình thành xương chắc khỏe.

  • Cung cấp vitamin

Trong thịt gà có nhiều vitamin A, B12, C cần thiết cho sự phát triển của não bộ.

  • Tốt cho hệ miễn dịch

Các dưỡng chất trong thịt gà như kẽm, magie có tác dụng lớn trong việc tăng cường hệ miễn dịch.

  • Tốt cho hệ tuần hoàn

Thịt gà chứa sắt cần thiết cho sự phát triển của hồng cầu và kali giữ cho mạch máu luôn tốt.

Bột thịt gà rất tốt cho sức khỏe của bé nên mẹ có thể thường xuyên nấu món ăn này. Tuy nhiên, cần phối hợp thêm một số nguyên liệu khác để đa dạng khẩu vị của trẻ.

Cách nấu bột thịt gà cho bé ăn dặm

Một số cách nấu bột thịt gà cho bé

Bột thịt gà với khoai tây

Nguyên liệu:

  • Bột gạo/bột ăn dặm: 10g
  • Thịt gà: 20g
  • Bí đỏ: 15g
  • Khoai tây: 15g

Cách làm:

  • Làm sạch khoai tây, gọt vỏ, xắt nhỏ, luộc chín rồi vớt ra tán nhuyễn.
  • Thịt gà làm sạch, lọc kỹ, xay nhuyễn và khuấy tan với một chút nước.
  • Cho bột vào khuấy tan và bắc bếp nấu. Khi bột sôi, từ từ cho thịt gà vào và khuấy đều đến khi bột chín. Tiếp tục cho khoai tây đã tán vào khuấy đều và nấu chín.
  • Đổ bột ra bát, nêm chút dầu ăn, trộn đều rồi để nguội bớt là có thể cho bé ăn.

Bột thịt gà với rau ngót

Nguyên liệu:

  • Thịt gà: 20g
  • Rau ngót: 20g
  • Bột gạo/bột ăn dặm: 20g
  • Dầu ăn: 1/2 thìa cà phê

Cách làm:

  • Rửa sạch thịt gà, xay nhuyễn. Cho vào nồi và cho thêm ít nước vào khuấy tan để không bị vón cục. Đun lửa nhỏ đến khi chín rồi tắt bếp.
  • Rửa sạch rau ngót rồi luộc/hấp chín, sau đó xay nhuyễn.
  • Bột gạo/bột ăn dặm cho vào nồi, thêm một ít nước đề khuấy tan, nấu trong khoảng 10 phút.
  • Khi bột chín, đổ thịt gà, rau ngót cho vào nấu khoảng 2 – 3 phút rồi tắt bếp.
  • Đổ bột ra bát, nêm thêm chút dầu ăn là xong.
Bột thịt gà cho bé
Bột thịt gà với rau ngót chứa rất nhiều dưỡng chất từ thịt gà và chất xơ từ rau ngót, rất tốt cho sự phát triển của bé (Ảnh sưu tầm)

Bột thịt gà với cà rốt

Nguyên liệu:

  • Thịt gà: 20g
  • Cà rốt: 20g
  • Bột ăn dặm/bột gạo: 20g
  • Sữa mẹ: 400ml

Cách làm:

  • 2 miếng thịt gà đùi hoặc 1 miếng ức lọc bỏ gân, xương và xay nhuyễn.
  • Cà rốt gọt vỏ, cắt hạt lựu.
  • Sữa mẹ đun sôi, cho gà vào luộc đến khi mềm thì vớt ra.
  • Cho cà rốt vào luộc đến khi sắp cạn sữa.
  • Xay nhuyễn hỗn hợp trên.
  • Bột nấu chín, rồi trộn đều hỗn hợp sữa, thịt gà, cà rốt.

Bé có thể ăn thịt ức gà ngay khi mẹ cho bé chuyển sang ăn bột mặn. Lúc này, hãy cho bé ăn 2 thìa súp thịt xay nhuyễn mỗi ngày. Khẩu phần có thể tăng lên theo thời gian bé lớn lên. Ngoài ra, mẹ cũng cần có một số lưu ý để cho bé ăn thịt gà theo cách khoa học và lành mạnh nhất.

Những lưu ý khi nấu bột thịt gà cho trẻ ăn dặm

Một số điều mẹ cần chú ý khi cho con ăn bột thịt gà

Cách chọn và bảo quản thịt gà

Mẹ nên mua thịt gà tươi sống ở những địa chỉ uy tín để đảm bảo gà được nuôi bằng thức ăn tự nhiên, không có hormone tăng trưởng và kháng sinh. Mẹ cũng không nên mua gà đông lạnh vì dễ nhiễm khuẩn, chứa mầm bệnh gây hại cho sức khỏe hoặc chứa quá nhiều chất bảo quản.

Ngoài ra, mẹ cũng nên mua vừa đủ ăn, không nên mua quá nhiều vì bảo quản trong tủ lạnh cũng có thể bị vi khuẩn xâm nhập.

  • Thịt gà tươi có thể trong tủ lạnh từ 1 – 2 ngày
  • Thịt gà đã nấu chín có thể để trong tủ lạnh từ 3 – 4 ngày.

Trẻ có thể bị dị ứng thịt gà

Thịt gà có thể gây dị ứng cho những bé có hệ miễn dịch hay tiêu hóa nhạy cảm. Một số dấu hiệu giúp mẹ có thể nhận ra là:

  • Mặc và cổ bị sưng, đặc biệt là vùng quanh mũi, mí mắt, cổ họng dẫn đến bé không thể mở mắt và khó thở.
  • Bé nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy. 
  • Bé bị phát ban, trên da nổi những đốm đỏ và gây ngứa ngáy.
  • Bé có biểu hiện mệt mỏi và không muốn chơi.

Nếu bé ăn thịt gà mà có những biểu hiện trên, mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị.

Bột thịt gà cho bé
Nếu bé ăn thịt gà mà có những biểu hiện của dị ứng, mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị (Ảnh sưu tầm)

Ngoài ra, mẹ cũng nên:

  • Cho con ăn phần đùi và ức gà để đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ.
  • Bỏ da gà trước khi nấu.
  • Không thêm gia vị khi nấu ăn dặm từ thịt gà cho bé dưới 1 tuổi.

Bột thịt gà cho bé không chỉ ngon miệng, mà còn chứa nhiều dưỡng chất quan trọng, rất có lợi cho sự phát triển của bé. Nếu trẻ không bị dị ứng với thịt gà, mẹ hãy thường xuyên chế biến cho các bữa ăn dặm của con nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *